BVR&MT – Chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước châu Á thông báo tiếp tục là “nạn nhân” mới của làn sóng tấn công mạng toàn cầu. Một Viện Nghiên cứu hậu quả mạng tại Mỹ ước tính, tổn thất của vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu hiện nay có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Tại Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí quốc gia nước này Petro China cho biết, hệ thống thanh toán tại một số trạm xăng bị ảnh hưởng, mặc dù ngay sau đó đã khôi phục hầu hết hệ thống. Một số cơ quan chính phủ, trong đó có cảnh sát và cơ quan điều hành giao thông, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở cũng trở thành nạn nhân vụ tấn công này. Ngoài ra, khoảng 200.000 máy tính của công ty phim công nghệ Qihoo 360 đã bị ảnh hưởng.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cũng thông báo bị ảnh hưởng của mã độc WannaCry tại một bệnh viện và một cá nhân, nhưng không gây thiệt hại lớn.
Tại Hàn Quốc, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) thông báo có trường hợp nhiễm mã độc WannaCry, song hệ thống máy tính của chính phủ không bị ảnh hưởng. Bộ Nội vụ đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn WannaCry, nhờ vậy toàn bộ máy tính của các chính quyền địa phương cũng được an toàn.
Một quan chức phụ trách các mối quan hệ công chúng của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young Chan cho biết: “Cho đến thời điểm này, có 9 trường hợp bị nhiễm mã độc tại Hàn Quốc. Để giải quyết mối lo ngại mã độc này có thể lây lan nhanh, từ 15/5 tới, các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ cần được áp dụng”.
Chính phủ Indonesia hôm nay cũng hối thúc các doanh nghiệp cập nhật tình hình an ninh mạng sau khi 2 bệnh viện của nước này, trong đó có cả bệnh viện ở thủ đô Jakarta, trở thành nạn nhân mới nhất.
Vụ tấn công đã khiến các bệnh nhân tới Bệnh viện Ung thư Dharmais cuối tuần qua không thể lấy số khám bệnh và phải chờ hàng giờ để các nhân viên y tế ghi dữ liệu bệnh nhân trên giấy.
Tác động của các vụ tấn công mạng đối với các thực thể tại châu Á dường như có vẻ được kiểm soát hơn trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo vẫn có những “bẫy” đang đợi người sử dụng trong khu vực và hầu hết các vụ tấn công đều thông qua con đường thư điện tử.
Để ngăn chặn tác động của làn sóng tấn công mạng toàn cầu này, chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước châu Á đang đưa ra các biện pháp để phòng ngừa mã độc WannaCry. Nhiều công ty cảnh báo người sử dụng và nhân viên không bấm vào các đường link hay file đính kèm. Một số trường học tại Hàn Quốc cũng không cho phép học sinh sử dụng Internet.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng cho biết, tốc độ lây lan của WannaCry đã chậm hơn so với thời điểm virus này mới được phát tán, song cảnh báo đây chỉ là thời gian “xả hơi” ngắn, tác động của vụ tấn công này sẽ tiếp tục lan rộng khi bước vào tuần làm việc mới, có thêm nhiều người sử dụng máy tính và kiểm tra thư điện tử – vô tình tạo điều kiện cho mã độc lây lan.
Đặc biệt, người sử dụng máy tính cần thận trọng do có khoảng 280 biến thể của mã độc WannaCry có thể vô hiệu hóa các cơ chế ngăn tấn công mạng.