BVR&MT – Sản xuất nông nghiệp tại huyện vùng cao Sìn Hồ dễ xảy ra những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Khắc phục tình trạng đó, hiện nay ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất…
Vùng cao Sìn Hồ vốn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt độ dốc cao, khí hậu 2 mùa rõ rệt, mùa mưa thường xuyên có mưa đá, gió lốc. Những năm gần đây, sau mỗi mùa mưa tại huyện đều gây thiệt hại nặng về hoa màu, chưa kể có thời điểm mưa đá, gió lốc phá hỏng cả mùa vụ. Mùa đông, thời tiết giá lạnh, sương muối kéo dài làm chết cây trồng, vật nuôi mỗi năm ước tính thiệt hại cũng cả trăm triệu đồng.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, khắc phục thiệt hại do thiên tai, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cảnh báo sớm tình hình thiên tai sâu bệnh, góp phần giảm thiểu rủi ro cho người dân trong quá trình sản xuất. Diện tích gieo trồng năm 2021 của Sìn Hồ đạt 26.768ha, riêng cây lương thực có hạt 12.200ha, đạt 100,6% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực có hạt 46.377 tấn.
Vào mùa đông việc phòng chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi được chủ động ngay từ đầu nên khi thời tiết trở lạnh, bà con kịp thời bảo vệ an toàn đàn vật nuôi. Đàn gia súc của huyện hiện có 72.253 con, dù trải qua 5 đợt rét đậm kéo dài, 2 đợt bùng phát dịch bệnh, nhưng tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trên địa bàn vẫn đạt 4,6% (đạt 100% kế hoạch), cho thấy khả năng phản ứng trước thiên tai của Nhân dân trước dịch bệnh và thời tiết. Cùng với đó, việc bảo vệ hoa màu vụ đông được chú trọng, đây là vụ cuối năm nhiều gia đình đều chờ thu hoạch để đón tết Nguyên đán. Về cơ bản 525ha rau màu trên địa bàn phát triển tốt, vượt qua được những đợt rét đậm, sương muối nhờ được che chắn, bảo vệ đúng quy trình.
Ông Nguyễn Quốc Vương – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp huyện phát triển với nhiều kết quả đáng mừng góp phần nâng cao đời sống người dân. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu thí điểm các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp khí hậu từng địa phương để tận dụng tiềm năng sẵn có, tạo đà cho các chương trình như: trồng cây sơn tra, chè, nuôi dê ở các xã vùng cao; nuôi gia cầm, trồng sắn, cam, xoài ở các xã vùng thấp… được nhân rộng. Phần lớn các chương trình phát triển nông nghiệp trên địa bàn đều có kết quả khả quan, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
Để xây dựng được nhiều sản phẩm nông nghiệp, tạo dựng thương hiệu, có tiếng vang trên thị trường như hôm nay, người dân đã cùng cấp ủy, chính quyền vượt qua khó khăn, thách thức. Huyện quan tâm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp địa phương. Theo anh Giàng Xuân Cường – Giám đốc Hợp tác xã Mý Dao (thị trấn Sìn Hồ), đơn vị có nhiều năm phát triển, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu trên địa bàn huyện cho biết: Phát triển nông sản, dược liệu tại đây cơ bản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tác động từ thiên nhiên, ảnh hưởng đến nguồn cung dược liệu thô, tác động của thị trường ảnh hưởng đến giá sản phẩm khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, dược liệu là sản phẩm nông sản đặc thù không như các loại khác, vì có tác dụng trực tiếp tới sức khỏe người dùng, nên yếu tố rủi ro thường cao hơn các sản phẩm nông sản bình thường.
Kinh tế thị trường hiện nay mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền linh hoạt, có phương án khắc phục, xử lý. Kết nối các tổ chức tín dụng để chia sẻ khó khăn với người dân trước biến động khó lường của môi trường làm nông nghiệp quy mô lớn. Các cơ quan chuyên môn nên thường xuyên tổ chức tập huấn về phát triển nông nghiệp, giúp người dân tự ứng phó được với các rủi ro, làm nền tảng để ngành nông nghiệp vùng cao cất cánh.
Người dân vùng cao Sìn Hồ khó có thể tự mình phòng tránh được rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, rất cần cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc, dẫn dắt, liên kết giữa Nhà nước, nhà nông với các doanh nghiệp có liên quan để ngành Nông nghiệp huyện có thể phát triển bền vững, phát huy tối đa giá trị sản phẩm, đưa người dân thoát nghèo và tiến tới làm giàu.