Nhiều công nhân môi trường Hà Nội nghỉ việc

BVR&MT – Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), trong năm 2021, toàn đơn vị có khoảng 254 công nhân xin nghỉ việc. Điều này khiến Công ty đang gặp khó khăn khi tìm kiếm những lao động thay thế.

Các công nhân vệ sinh tổ 13 (Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội ) thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt về các khu xử lý tập trung của thành phố. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Đơn cử như trường hợp anh N.Q.T, từng 10 năm là lái xe chở rác của Chi nhánh Đống Đa (Urenco) nhưng mới đây cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Theo anh T, đầu năm 2021 lương của anh xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng. Nhưng do dịch bệnh, công việc ít, số lượt chạy xe/ngày sụt giảm dẫn tới lương chỉ còn 10 triệu đồng/tháng.

“Dù rất yêu nghề và muốn gắn bó với Công ty nhưng là trụ cột gia đình, áp lực về thu nhập nên buộc phải chia tay với công việc chở rác làm sạch thành phố để tìm việc mới, mong có thu nhập cao hơn để phục vụ cuộc sống và gia đình”, anh T tâm sự.

Cùng cảnh ngộ, anh N.V.A đã 28 năm làm công nhân quét rác tại Chi nhánh Hoàn Kiếm (Urenco) cũng nộp đơn xin nghỉ việc để kiếm việc làm khác có thu nhập tốt hơn.

Theo ông Vũ Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu nhập của công nhân vệ sinh môi trường bị sụt giảm. Trong đó có thể kể đến do dịch COVID-19 nhiều ngành nghề phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, dẫn tới rác phát sinh ít khiến nguồn thu của Công ty từ rác bị giảm. Mặt khác, đơn giá tiền lương, vật tư tiêu hao, giá xăng dầu phục vụ quét hút, xử lý rác… liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng. Trong khi đó, giá các gói thầu thu dọn vệ sinh môi trường thì lại “bó cứng”, dẫn tới Công ty gặp khó khăn trong việc tìm nguồn chi trả cho người lao động.

Ông Cường viện dẫn, từ năm 2017 đến năm 2019, Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức lương cơ sở 3 lần, kéo theo chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng gây áp lực cho Công ty. Trong khi đó, đơn giá các gói thầu giá các gói thầu thu dọn vệ sinh môi trường qua đấu thầu không thay đổi, dẫn tới Công ty gặp khó khăn.

Theo ông Cường, Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị công bố cấp bậc thợ bình quân là 4/7. Tuy nhiên, Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND thành phố về việc ban hành quy trình, định mức lĩnh vực vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố áp dụng cấp bậc thợ bình quân là chỉ là 3/7. Ngoài ra thành phố còn ban hành Quyết định số 453/2021/QĐ-UBND ngày 21/2/2021 về đơn giá lĩnh vực vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố lại điều chỉnh hệ số giảm xuống còn 1,5.

“Việc áp dụng cấp bậc thợ 3/7 và hệ số đảm bảo thu nhập là 1,5 dẫn đến mức lương bình quân cho người lao động là 5.162.850 đồng/người/tháng, sau khi nộp 10,5% tiền bảo hiểm xã hội thì người lao động chỉ còn lại là 4.620.750 đồng/người/tháng. Mức lương này không thể đảm bảo thu nhập cho người lao động, dẫn tới đơn vị phải điều chỉnh, sắp xếp lại sản xuất và các khoản chi, thậm chí là vay ngân hàng để chi trả lương cho công nhân”, ông Vũ Cường trăn trở.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, những bất cập này đã được tổng hợp bằng văn bản, gửi các đơn vị chức năng và UBND thành phố Hà Nội xem xét giải, tháo gỡ khó khăn cho Công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Công ty hiện có 22 đơn vị thành viên với gần 5.000 cán bộ, công nhân viên. Công ty chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý môi trường, thu gom, xử lý chất thải trên các quận trung tâm và một số huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội; quản lý Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và một số khu xử lý chất thải tập trung của thành phố.