BVR&MT – Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay trên địa bàn xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) xảy ra 7 vụ phá rừng, thiệt hại 18.419 m2 và 3 vụ cháy rừng gây thiệt hại 2.680 m2… Để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả công tác bảo vệ rừng, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Đảng ủy, chính quyền xã Chà Nưa đã ban hành Nghị quyết về “Bảo vệ và phát triển rừng xã Chà Nưa, giai đoạn 2016 – 2020. Từ đó, góp phần khơi gợi tinh thần tự giác, tránh nhiệm bảo vệ rừng trong cán bộ và nhân dân.
Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, cho biết: Chà Nưa là xã vùng cao thuộc diện khó khăn, địa bàn tương đối rộng với chủng loại rừng khá đa dạng phong phú, trong khi đó lực lượng kiểm lâm mỏng. Đây là những thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép… Có nhiều nguyên nhân khiến rừng bị tàn phá nặng nề, điển hình như: Nhu cầu khai thác gỗ làm nhà ở tại chỗ trên địa bàn xã vẫn còn cao; cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng thấp, chưa thu hút được người dân tham gia; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng còn thiếu và yếu… Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép còn xảy ra; việc kiểm tra, phát hiện xử lý chưa triệt để, phát huy hiệu quả.
Để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, Đảng bộ xã Chà Nưa đề ra nhiều giải pháp trọng tâm; trong đó, Nghị quyết “Bảo vệ và phát triển rừng xã Chà Nưa, giai đoạn 2016 – 2020” được xem như là minh chứng rõ nét nhất. Với phương châm không để “đất nghỉ”, xác định trồng và phát triển rừng không chỉ hình thành được “hàng rào xanh” an toàn bảo vệ môi trường mà còn là biện pháp giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, xã phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 53,47% (năm 2016) lên 62% (năm 2020); bình quân mỗi năm tăng 2,85% trở lên. Để phát huy hiệu quả cũng như tính khả thi của Nghị quyết, Đảng ủy và chính quyền xã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân về nâng cao ý thức, trách nhiệm, việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và văn bản các cấp về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng; thực hiện nghiêm túc tiến độ giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư bản để tổ chức quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm, làm cháy rừng, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép; xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các bản (dân quân, các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và người dân); có cơ chế, kinh phí, khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất cho lực lượng tham gia trực tiếp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng…
Đặc biệt, tập trung chỉ đạo quyết liệt, vận động nhân dân tham gia trồng rừng, huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế và doanh nghiệp trên địa bàn tham gia trồng rừng; phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 50ha (15ha rừng phòng hộ, 35ha rừng sản xuất; 120.000 cây phân tán các loại, như mỡ, giổi, keo). Đồng thời, đẩy nhanh phát triển sản xuất, khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang, giảm dần lệ thuộc vào sản xuất lúa nương; xây dựng mô hình nông – lâm kết hợp khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa nương sang đất trồng rừng sản xuất và phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng…
Với cách nghĩ, cách làm về khoanh nuôi, bảo vệ rừng xuất phát từ thực tiễn địa phương và trên hết là sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc cùng với cấp ủy, chính quyền… tin tưởng rằng, xã Chà Nưa sẽ hoàn thành các mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.