BVR&MT – Nhiên liệu sinh học vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi giữa các chuyên gia năng lượng và các nhà môi trường học. Một số cho rằng nhiên liệu sinh học chiếm diện tích đất trồng trọt và gây mất rừng, trong khi một số khác khẳng định đây là nguồn năng lượng sạch, phát thải carbon thấp thay thế cho nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu khí.
Mới đây, một phân tích được đăng tải trên Tạp chí Climate Change tiếp tục đưa ra một luận điểm mới. Theo đó, các nhà khoa học tại Viện Năng lượng thuộc Đại học Michigan khẳng định nhiên liệu sinh học có thể ảnh hưởng bất lợi đến khí hậu hơn cả dầu khí.
Theo nghiên cứu, các phương tiện giao thông ở Mỹ sử dụng nhiên liệu sinh học thay vì xăng dầu khiến cho lượng phát thải CO2 ròng tăng đáng kể trong suốt 8 năm nghiên cứu.
Chương trình Tiêu chuẩn Nhiên liệu tái tạo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã đặt mục tiêu sản lượng nhiên liệu sinh học vào năm 2022 là 36 tỷ gallon. Nguyên nhân thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học dựa trên các phân tích vòng đời sản xuất nhiên liệu sinh học vốn giả định rằng cây nhiên liệu hấp thụ CO2 khi trưởng thành và theo thời gian carbon sẽ dần được loại trừ.
Nghiên cứu mới đã phân tích các dữ liệu thực tế về sản lượng cây trồng, sản lượng nhiên liệu sinh học, sản lượng xăng dầu và phát thải từ các phương tiện giao thông trong giai đoạn 2005-2013, đồng thời phân tích cụ thể lượng CO2 được cây ngô, cây đậu nành hấp thụ và thải ra khi bị đốt.
Kết quả, lượng hấp thụ carbon chỉ bằng 37% lượng thải ra khi đốt nhiên liệu sinh học. Điều đó cho thấy nhiên liệu sinh học không thực sự là dạng năng lượng có thể trung hòa carbon, thậm chí cả khi chưa xét đến tổng phát thải trong toàn quá trình.
Nghiên cứu nhận được nhiều ý kiến ủng hộ cũng như phản biện. Những người ủng hộ cho rằng còn nhiều lỗ hổng trong cách tính toán vòng đời truyền thống về ảnh hưởng của nhiên liệu sinh học đối với khí hậu; hơn nữa việc phát triển nhiên liệu sinh học không cần thiết đặt thành mục tiêu quốc gia hay yêu cầu về trợ cấp.
Trong khi đó, các nhà phê bình khẳng định nghiên cứu đã không xét đến khoảng thời gian dài cần thiết để cây nhiên liệu hấp thụ carbon. Thêm vào đó, một phản biện khác cho rằng các nhà nghiên cứu mới chỉ xét đến ethanol sản xuất từ ngô và diesel sinh học từ đậu nành, trong khi nhiên liệu sinh học từ các nguồn khác như cỏ, thân cây và lá thường phát thải carbon thấp, đồng thời không chiếm diện tích đất trồng trọt, lại chưa được tính đến.
Diệu Linh (biên dịch)