BVR&MT – Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu địa phương nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho nguời lao động thông qua tài khoản ngân hàng hoặc đến trực tiếp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn về việc phối hợp triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Theo bộ LĐ-TB&XH, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện cách ly, phong tỏa những ngày qua, đời sống của người dân, người lao động đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải thực hiện nhanh chóng, linh hoạt các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận và sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, trên cơ sở tiếp nhận thông tin phản ánh của các địa phương đối với vướng mắc trong việc người lao động và người sử dụng lao động không thể trực tiếp thỏa thuận bằng văn bản do điều kiện giãn cách, phong tỏa, bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động.
Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 1 điều 15 Quyết định số 23 như sau:
Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó.
Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác như: qua điện thoại, tin nhắn, email…
Khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột “ghi chú” tại mẫu số 5 ban hành kèm theo Quyết định số 23 và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
Bộ cũng lưu ý, do tính chất cấp thiết của việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động vào thời điểm này, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách để người sử dụng lao động biết, sớm lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhanh chóng chi tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng hoặc trực tiếp tới người lao động, đặc biệt là tại những doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động đang ở khu vực bị cách ly, phong tỏa hoặc đã về quê quán, đang cần sự hỗ trợ.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt theo các quy trình quy định tại điều 16 và các điều khoản khác có liên quan trong Quyết định số 23, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách.