BVR&MT – Với công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, không cần nạo vét cơ học, chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể. Sau khoảng 2 tháng, các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.
Là dòng thoát nước chính, sông Tô Lịch tiếp nhận hầu hết nước thải trong khu vực nội thành. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân cùng với việc quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ đã vô hình trung khiến con sông đẹp, thơ mộng từng đi vào thơ ca Việt Nam trở thành dòng sông chết suốt những thập kỷ qua.
Mới đây đoàn chuyên gia Nhật Bản đã có buổi làm việc và báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất thí điểm miễn phí xử lý một đoạn sông ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Công nghệ được xem như một nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông với tốc độ xử lý ô nhiễm vô cùng nhanh.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn hoài nghi, liệu rằng công nghệ này có giải quyết được những vấn đề liên quan đến mùi cũng như việc đổ thải liên tục vào sông thì đây có phải là công nghệ mang tính tạm thời.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, công nghệ là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí nano công nghệ Nhật. Đối với vật liệu Bioeactor sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, làm cho các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên. Sản phẩm được cấp bằng sáng chế sở hữu trí tuệ độc quyền tại Nhật và được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chứng nhận về công dụng làm sạch môi trường.
TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản, chuyên gia LHQ về môi trường cho biết: “Chúng tôi đã làm rất nhiều dự án về xử lý sông trên thế giới. Sông ở trên thế giới thường có nước thải công nghiệp chảy vào. Ở sông Tô Lịch thì lượng nước thải công nghiệp ít hơn nhưng vấn đề lớn nhất là lượng bùn ở tầng đáy rất lớn làm bốc lên mùi hôi thối, khó chịu. Với chúng tôi, đây là bài toán đơn giản hoàn toàn có thể xử lý được”.
Các chuyên gia Nhật cho rằng, công nghệ này không cần nạo vét cơ học nhưng chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể. Còn sau khoảng 2 tháng, các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.
Mặc dù toàn bộ chiều dài sông đã được cải tạo, nạo vét và kè 2 bờ, song ô nhiễm vẫn được đánh giá là rất nghiêm trọng. Trong đó, có thể thấy rõ lượng oxy hòa tan trong nước giảm đáng kể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá không thể sống được tại các khu vực ô nhiễm.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, trung bình một ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Nhưng “Nhà máy xử lý nước thải trong lòng sông” theo công nghệ Nano-Bioreactor với công suất xử lý cực lớn lên đến 1.350.000 m3/ngày đêm nên sẽ xử lý triệt để trong ngày không gây ô nhiễm.
Mùi sông Tô Lịch được xử lý triệt để như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), người đưa 2 phát minh công nghệ Nano-Bioreactor này về Việt nam để xử lý môi trường thí điểm tại sông Tô Lịch và các nơi ô nhiễm khác cho biết thêm: Mùi hôi thối của sông Tô Lịch là do lớp bùn tích tụ tạo ra các loại khí metan(CH4), Amoniac(NH3)… công nghệ bio-nano sẽ phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy, xử lý căn cơ, tận gốc, triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch.
Với công nghệ bio-nano, xử lý triệt để không chỉ từ nguồn ô nhiễm nước thải chảy vào mà còn xử lý tận gốc nguyên nhân gây ra mùi hôi và ô nhiễm là phân hủy hoàn toàn lớp bùn đáy tích tụ mà không cần phải dùng các biện pháp nạo nét cơ học. Đây là một cuộc cách mạng về xử lý nước ô nhiễm sông hồ tại Việt Nam, giúp thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa đơn giản, dễ áp dụng, lại tiết kiệm.
Mới đây, chuyên gia Nhật Bản và JVE đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị có liên quan để họp bàn thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây, dự kiến trong tháng 5 này sẽ thực hiện thí điểm xử lý.