Nguyên nhân khiến dầu thế giới bắt đầu giảm giá sau thời gian tăng mạnh

BVR&MT – Các nhà giao dịch dầu đang bán dầu khi ngày càng lo ngại về diễn biến của nền kinh tế toàn cầu. Xu hướng bán dầu lất át lo ngại về nguồn cung.

Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, LB Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Theo trang oilprice.com, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 20 USD/thùng trong tháng qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm gần 25 USD/thùng tính tới ngày 12/7. Lo ngại suy thoái dường như là nguyên nhân lớn nhất khiến giá dầu giảm, dù nhu cầu vẫn mạnh mẽ bất chấp giá cả.

Trong tuần tính đến ngày 5/7, các quỹ đầu cơ đã bán 110 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu trong 6 hợp đồng được giao dịch nhiều nhất.

Theo hãng tin Reuters, hoạt động này đã nâng tổng khối lượng bán ra lên hơn 200 triệu thùng trong 4 tuần qua. Xu hướng bán dầu ngày càng tăng trong tuần đến ngày 5/7 càng trở nên đáng chú ý hơn xét tổng số thùng dầu bán ra trong cả 4 tuần qua.

Các dự báo về suy thoái, đặc biệt là ở Mỹ, đang ngày càng nhiều. Dự báo mới nhất trong tuần này do công ty TD Securities đưa ra cho rằng rủi ro Mỹ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023 là hơn 50%.

Giám đốc chiến lược toàn cầu của công ty này, ông Richard Kelly, đã liệt kê ba yếu tố sẽ quyết định quá trình nền kinh tế Mỹ suy thoái: giá xăng, chính sách quyết liệt của Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ khi cơ quan này tìm cách kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế nói chung đang chậm lại.

Trong khi đó, một bài viết trên Bloomberg cho rằng quan điểm của người Mỹ về nền kinh tế có vẻ bi quan cho dù thị trường việc làm đang mạnh nhất từ ​​trước đến nay. Ông cho rằng người tiêu dùng tin Mỹ đang rơi vào suy thoái.

Những dự báo này rõ ràng có tác động mạnh mẽ đến các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ khác, xét tốc độ mà các quỹ này xả dầu.

Giá dầu giảm cho dù nguồn cung dầu dường như đang eo hẹp hơn. Libya tuần trước đã tuyên bố thêm một tình huống bất khả kháng nữa đối với xuất khẩu dầu. Năng lực sản xuất dầu dự phòng thực tế của Saudi Arabia đã trở thành chủ đề chính. Nhiều người cho rằng Saudi Arabia không thể thúc đẩy sản xuất đáng kể.

Trong khi đó, Nga tiếp tục chuyển hướng xuất khẩu dầu ở châu Âu sang những người mua khác khi phương Tây nghiên cứu cách giới hạn giá dầu của Nga nhằm giảm doanh thu dầu của nước này.

Tuy nhiên, một yếu tố nữa có thể thúc đẩy xu hướng dầu giảm giá. Trung Quốc trong tuần này báo cáo rằng họ đã xác định trường hợp đầu tiên mắc một biến thể mới, có khả năng lây lan cao. Thông tin này khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ xét nghiệm hàng loạt và có thể hạn chế di chuyển để phòng chống COVID-19.

Các nhà nghiên cứu của EBW Analytics nhận định: “Thị trường dầu đang bị kéo theo hai hướng: nguồn dầu hạn hẹp đối chọi với các mối lo ngại về nhu cầu trong tương lai cũng như các dấu hiệu nhu cầu dầu bị phá hủy do giá quá cao”.

Tới ngày 12/7, có vẻ như lo ngại về nhu cầu, đặc biệt là lo ngại về động thái phong tỏa phòng COVID-19 ở Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm.

Trong khi đó, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cố gắng đạt được thỏa thuận từ Saudi Arabia để sản xuất dầu nhiều hơn, thì dư luận vẫn cho rằng sản lượng cao hơn chưa chắc đã có tác động tới thị trường.

Thị trường hiện tại cũng không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có nguồn cung dầu mới và đợt xả kho dầu dự trữ chiến lược gần đây nhất sẽ sớm kết thúc.