Nguy cơ tuyệt chủng hàng trăm ngàn loài nhiệt đới do phá rừng

BVR&MT – Nghiên cứu mới đây công bố trên  Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) cho rằng mặc dù chưa bước vào “Kỷ nguyên Đại tuyệt chủng” thứ 6, tuy nhiên thời kỳ đó có thể cũng không còn xa nữa.

Thông qua dữ liệu sinh thái địa phương, nghiên cứu đã đưa ra dự báo về tỷ lệ tuyệt chủng tiềm tàng cũng như phát hiện ra hàng trăm ngàn loài động thực vật đang bị đe dọa nếu như con người tiếp tục gây xáo trộn tại các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh còn sót lại.

Giáo sư Sinh học John Alroy (Đại học Macquarie, Úc), người chủ trì nghiên cứu  cho rằng: “Đây không phải một vấn đề nhỏ. Mặc dù rừng nhiệt đới chỉ chiếm khoảng 10% diện tích các lục địa nhưng lại là nơi sinh sống của khoảng 2/3 – 3/4 tổng số loài động thực vật trên Trái Đất.”

Các nhà khoa học từ lâu đã tin rằng tốc độ phá rừng nhiệt đới và sinh cảnh đang dẫn tới một cuộc Đại tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu tuy nhiên lại chưa có ai định lượng được mức độ thiệt hại tiềm tàng của hiểm họa này. Nghiên cứu của Giáo sư Alroy đã đưa ra ước lượng cho con số này.

Sự tuyệt chủng sẽ xảy ra chủ yếu ở các khu rừng nhiệt đới, nơi tập trung phần lớn đa dạng sinh học trên cạn của thế giới. Để khảo sát mức độ tác động, Giáo sư Alroy đã áp dụng một phương pháp có độ chính xác cao để ước lượng mức độ phong phú của các loài. Nghiên cứu được thực hiện trên dữ liệu từ 875 mẫu cây và 10 nhóm động vật “có ảnh hướng lớn tới sinh thái” bao gồm dơi, côn trùng (kiến, bướm, muỗi và bọ hung), động vật có vú lớn và nhỏ và một số động vật có xương sống (chim, ếch và thằn lằn). Các mẫu được thu thập từ nhiều loại môi trường sống ở các vùng nhiệt đới: rừng trồng, rừng nguyên sinh, rừng phân mảnh, đồn điền và các đồng cỏ.

“Khoảng 41% số loài cây và động vật trong bộ dữ liệu này, không tìm thấy tại những khu vực đang bị con người xáo trộn, mặc dù đa số vẫn đang đặc trưng cho một số loại rừng”.(Ảnh: Alroy, J. (2017). Doi: 10.1073 / pnas.1611855114)

Theo dự đoán của Giáo sư Alroy, nếu các khu rừng nhiệt đới còn lại của Trái Đất hoàn toàn bị xáo trộn sẽ có hơn 18% các loài trong các nhóm được nghiên cứu biến mất, ngoại trừ nhóm thú lớn và muỗi. Bảy trong số các nhóm khảo sát sẽ mất hơn 28% số loài. Cá biệt là thực vật có thể lên đến 30% loài và kiến ​​có thể suy thoái đến 65%.

Ông Alroy khẳng định: “Bất cứ sự suy thoái đáng kể nào của các khu rừng nguyên sinh đều có thể dẫn tới sự tuyệt chủng của nhiều nhóm động thực vật”.

Ông Alroy chia sẻ các ước tính của nghiên cứu còn ở mức thận trọng, tác động của các hoạt động của con người lên sự tồn vong của các loài có thể còn nghiêm trọng hơn những gì nghiên cứu đã dự đoán. “Mặc dù chúng ta đang bảo tồn rừng ở nhiều nơi, nhưng những khu rừng đó vẫn có thể biến mất nếu chúng ta không thể ngăn chặn được nạn chặt phá rừng”. – ông Alroy nói.

Báo đốm Jaguar (Panthera onca). Nhóm động vật có vú lớn đứng trước nguy cơ suy thoái hơn 10% các loài nếu các khu rừng nhiệt đới bị xáo trộn hoàn toàn, theo một nghiên cứu mới (Ảnh: Rhett Butler/Mongabay.com)

Phát hiện của ông Alroy cũng chỉ ra rằng rất nhiều loài nhiệt đới quý hiếm có thể đã biến mất. Nhiều loài có thể đã tuyệt chủng vì mất hoàn toàn môi trường sống hoặc do các nguyên nhân khác như hoạt động săn bắt của con người, xâm lấn, dịch bệnh, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Sự tuyệt chủng trên diện rộng thực sự đang diễn ra trong khi con người chưa nhận thức được mức độ thiệt hại. Ông Alroy cho rằng: “Bởi vì chúng ta đang thiếu hiểu biết về những loài quý hiếm dễ bị tuyệt chủng. Ngay bây giờ, chúng ta cần nhiều hoạt động thực địa hơn nữa để tìm hiểu xem chuyện gì đang thực sự diễn ra.”

Tuy nhiên, nghiên cứu khẳng định rằng chúng ta vẫn có thể hy vọng có thể ngăn chặn được quá trình này. Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng bảo vệ 50% diện tích mặt đất trên hành tinh là cơ sở để bảo tồn các hệ sinh thái cũng chính là bảo tồn sự sống còn trên trái đất. Khái niệm này thường được gọi là “Nature Needs Half”, tuy nhiều nhà khoa học cho là không chính xác nhưng có tính khả thi. Trên thực tế,  nhiều chức năng của hệ sinh thái đã bị tổn thương nặng nề do các hoạt động của con người nhưng chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu 50% bằng cách mở rộng các nỗ lực bảo tồn hiện nay và tập trung bảo tồn các môi trường sống quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học.

Phương Thúy (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ