BVR&MT – Năm 2017, sau nhiều năm tìm hiểu về dịch SARS từng gây thiệt hại nặng cho Trung Quốc cách đây khoảng 18 năm năm, một nhóm nghiên cứu cho rằng họ đã phát hiện ra nguồn gốc của căn bệnh, cụ thể là từ một hang động ở tỉnh Vân Nam vốn có rất nhiều loài dơi lá mũi. Nhóm nghiên cứu viết rằng họ đã phát hiện trên loài dơi này bộ gen của một số loại virus corona khác nhau và trong các mã di truyền này có “nền móng” virus đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến 774 người tử vong.
Hiện vẫn chưa chắc chắn về cách SARS đã di chuyển 1.000 km từ hang động Vân Nam đến Quảng Đông – nơi dịch bệnh này lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2002. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng rằng virus corona từ dơi có thể lây nhiễm sang người. Một số dân làng xung quanh hang dơi Vân Nam có kháng thể chống lại bệnh dơi. Trong trường hợp SARS, các nhà nghiên cứu cho rằng cầy hương – được coi là đặc sản ở một số vùng tại Trung Quốc – đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền virut dơi sang người.
Buôn bán động vật hoang dã cũng góp phần lan truyền virus corona mới, chính thức được gọi là COVID-19 đến người dân Vũ Hán – nơi có các ca mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận. Với những cảnh báo đáng báo động về dịch virus corona và tiêu thụ động vật hoang dã, các chợ và địa điểm buôn bán động vật hoang dã hiện đang bị kiểm soát gắt gao. Nhưng ăn động vật hoang dã không phải là cách duy nhất bị lây bệnh từ động vật và virus lây qua đường hô hấp như corona chủng mới cũng không phải là những bệnh duy nhất chúng ta phải đề phòng khi ăn thịt. Hệ thống chăn nuôi gia súc, sản xuất và phân phối thực phẩm trên thế giới chắc chắn đã được liên kết trước đó với những vi khuẩn chết người, chẳng hạn như các chủng E.coli.
Bán và ăn động vật hoang dã, phá vỡ hệ sinh thái và phá rừng đều góp phần vào nguy cơ lây lan các chủng vi khuẩn chết người vào quần thể người. Điều đáng lo ngại là tác động của việc nuôi hàng trăm hoặc hàng ngàn động vật được thuần hóa trong những khu vực đông đúc đã gây ra vấn đề tồi tệ hơn: các vi khuẩn kháng thuốc. Hiện số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới ở Trung Quốc đã lên đến hơn 2.700 người và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh, nhưng cần nhớ rằng khoảng 35.000 người ở Hoa Kỳ tử vong mỗi năm sau khi bị nhiễm trùng kháng thuốc.
Kháng kháng sinh là một vấn đề đang gia tăng ở Trung Quốc. Cơn thèm thịt của nước này tăng lên theo sự giàu có, cũng như ở các nước đang phát triển khác. Thịt cung cấp các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và là một phần quan trọng của nhiều món ăn. Người dân Hoa Kỳ và các nước giàu khác tiêu thụ thịt theo đầu người nhiều hơn nhiều người sống ở các nước đang phát triển.
Việc tiêu thụ động vật hoang dã (còn gọi là thịt rừng) liệu có gây ra rủi ro đặc biệt đối với sức khỏe cộng đồng? Tiêu thụ thịt rừng khá phổ biến ở các nước châu Phi và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là nguồn chất đạm quan trọng, giữ vững an ninh lương thực cho người nghèo sống ở nông thôn. Tuy nhiên, sự bùng phát các bệnh như Ebola có liên quan đến việc ăn thịt rừng. Trong khi động vật được thuần hóa chứa các vi khuẩn gây bệnh ngộ độc thực phẩm như Salmonella, Campylobacter và E.coli, động vật hoang dã chứa các vi khuẩn gây chết người, bao gồm các chủng virus mới như cúm, Ebola và Nipah, có thể lây lan cho động vật thuần hóa và con người.
Trung Quốc bây giờ có thể đang kiểm soát chặt các chợ tươi sống bán động vật hoang dã – điều trước đây đã được tạm thời thử nghiệm. Sự xuất hiện của SARS năm 2003 thúc đẩy chính phủ nước này cấm chợ tươi sống nhưng nỗ lực đó đã thất bại và dẫn đến sự gia tăng ở các chợ đen. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã.
Sản xuất thịt tăng 68% ở châu Á trong 20 năm qua và lục địa này cũng là nơi sinh sống của đại đa số gà và lợn trên thế giới. Các nước như Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện tình trạng vệ sinh dịch tễ kém nhưng cả hai nước cũng đồng thời sử dụng một lượng lớn kháng sinh và có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao. Những quyết định của Trung Quốc về động vật hoang dã tại các chợ tươi sống không làm thay đổi được thực tế đó.
Tiêu thụ ít thịt (và nuôi ít động vật để ăn hơn) có thể giảm bớt hệ lụy của vấn đề. Điều thú vị là Ấn Độ cho đến nay có lượng người ăn chay lớn nhất (khoảng 38% dân số) và dù cũng có chợ tươi sống nhưng chưa bị tình trạng virus corona lan tràn như Trung Quốc. Quyết định của Trung Quốc về buôn bán động vật hoang dã có thể ảnh hưởng đến khả năng bùng phát một thứ dịch bệnh khác tương tự oronavirus. Tuy nhiên, cách thế giới xử lý việc sản xuất và phân phối động vật thuần hóa có thể chỉ là một quyết định mà thôi.
Kháng kháng sinh không nhận được sự quan tâm của truyền thông khi đưa tin về virus corona mới. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu về đạm động vật dù hoang dã hay thuần hóa cũng đang tăng và trở nên không bền vững. Cổ xúy giải pháp thay thế thịt hoặc ăn chay có thể là một bước đi đúng hướng.
Nhật Anh (Theo The Bulletin of the Atomic Scientists)