BVR&MT – Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn đã lên các phương án để tiêu thụ vải thiều an toàn trong mùa dịch.
Mùa thu hoạch vải thiều đặc sản Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang đến gần, dự báo, năm nay sản lượng vải thiều nhận định sẽ cao hơn những năm trước. Thời điểm này, công tác chăm sóc tại các nhà vườn, hộ dân đang được thực hiện rất khẩn trương. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn đã lên các phương án để tiêu thụ vải thiều an toàn trong mùa dịch.
Vào thời điểm này, vườn vải của gia đình ông Nguyễn Văn Hành ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn quả sai trĩu trịt trên các sườn đồi. Với sản lượng dự tính cao hơn năm trước, hàng ngày ông Hành chăm sóc cây rất kỹ lưỡng, đặc biệt tuân thủ nghiêm quy trình đảm bảo sạch bệnh, đạt yêu cầu chất lượng cao cho cây.
Ông Nguyễn Văn Hành cho biết: “Cây vải tôi chăm sóc rất đúng quy trình, đảm bảo sản lượng tốt, an toàn đúng tiêu chuẩn…”.
Năm 2021, diện tích vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 28.000ha, sản lượng đạt 160.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP dự kiến đạt trên 15.000ha, GlobalGAP đạt diện tích 338ha. Nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành làm thủ tục cấp chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn.
Sau thời gian chuẩn bị hồ sơ; cung cấp các tài liệu chứng minh vải thiều Lục Ngạn khác biệt so với các địa phương khác, vừa qua, vải thiều Bắc Giang đã được Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản bảo hộ và cấp bằng chỉ dẫn địa lý. Đây là tính hiệu vui cho sản phẩm vải thiều Bắc Giang trong vụ năm nay. Bởi thực tế, tại những mùa vải trước, đã có tình trạng đóng mã số giả vải Lục Ngạn để xuất đi Trung Quốc.
Hiện nay, dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Bắc Giang, nhận thức rõ điều này, người dân trồng vải đã tính đến việc phòng dịch khi mua bán, tiêu thụ vải, đặc biệt với những thương nhân từ nơi khác đến.
Chị Nguyễn Thị Năm ở xã Giáp Sơn cho biết, việc xử lý cách ly, đảm bảo an toàn trong mùa vải đã được cán bộ, chính quyền kiểm soát, có phương án rất chặt chẽ, tôi cũng thấy yên tâm. Về phía mình, mọi biện pháp sát khuẩn, đeo khẩu trang tôi sẽ thực hiện triệt để.
“Sát khuẩn, đeo khẩu trang tôi thực hiện thường xuyên để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhất là trong mùa vải sắp tới…” – chị Năm chia sẻ.
Nhằm đảm bảo mùa thu hoạch vải thiều đặc sản được an toàn, UBND huyện Lục Ngạn hiện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều theo các phương án: Một là, khi tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát và hai là, khi tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp. Tất cả các hướng này đều được giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng.
Đặc biệt, chú trọng chặt chẽ với những thương nhân từ nhiều nơi đổ về, đặc biệt một lượng lớn thương nhân người nước ngoài sẽ sang Lục Ngạn thu mua vải thiều.
Ông Nguyễn Thế Thi – Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đã trưng dụng 8 cơ sở dịch vụ lưu trú làm địa điểm cách ly tập trung. Các thương nhân nước ngoài sau khi nhập cảnh phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền từ nước đó cấp trong thời gian 3 ngày.
Cách ly tập trung theo đúng quy định (không có trường hợp ngoại lệ) và được xét nghiệm 2 lần khi vào và trước khi ra khỏi khu cách ly tập trung. Ở mỗi điểm cách ly, huyện Lục Ngạn sẽ bố trí nhân viên y tế, công an, lễ tân phục vụ công tác kiểm soát, ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập.
“Công tác giám sát, cách ly những thương nhân, chuẩn bị đủ cơ sở thiết yếu cách ly đã được đặt ra…” – ông Thi nhấn mạnh.
Được biết, hiện tại đã có hàng trăm thương nhân (phần lớn là thương nhân Trung Quốc) đăng ký sang thu mua vải thiều. Dự kiến, mùa vải năm nay sẽ có rất đông doanh nghiệp, cá nhân cả trong và ngoài nước sẽ đến Lục Ngạn thu mua và giám sát thu mua loại quả đặc sản này. Năm 2020, vụ vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng diễn ra khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, song, nhờ chủ động các phương án tiêu thụ, xuất khẩu nên mặc dù chịu tác động nặng nề nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn thu được gần 7.000 tỷ đồng từ đặc sản vải thiều, cao nhất từ trước đến nay./.