BVR&MT – Xuất thân từ một gia đình ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản tại Đà Nẵng, nhưng ông Đặng Hòa (64 tuổi) phường An Hải Đông thành phố Đà Nẵng lại có lối nghĩ lối làm rất khác.
Nhận thấy Đà Nẵng có hướng phát triển mạnh về đường thủy, trong những năm 1996-1997, ông mạnh dạn đầu tư vào khai thác tàu du lịch trên sông Hàn. Chiếc tàu du lịch đầu tiên chạy trên sông Hàn mang tên Hàn Giang 01 là của người ngư dân yêu sông nước quê gốc huyện Hòa Vang này. “Đà Nẵng có thế mạnh về du lịch sông nước thế nhưng hồi ấy chưa ai nhận ra được”. Vốn là ngư dân đánh cá, thông thạo các vùng sông nước Đà Nẵng, ông Hòa nghĩ nếu mình chuyển hướng khai thác vận tải du lịch đường thủy chắc sẽ thu hút được khách du lịch. Hoạt động vận tải du lịch được vài năm, sang đến năm 1999 ông gặp phải rất nhiều khó khăn dẫn đến thất bại phải bán đi nhiều tài sản.
“Cái khó của khách du lịch nước ngoài dạo chơi trên các chuyến tàu thường là khách Trung Quốc. Mà họ thì lại rất dễ “lúc có lúc không”. Như những năm trước Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp biển đảo, và cũng như hiện nay trong đại dịch Covid 19, hầu như không còn một du khách nào.”
Tuy vậy thời cuộc không phải lúc nào cũng khó. Những năm trước đây khi du lịch Đà Nẵng vào thời thịnh, khách du lịch đến Đà Nẵng tăng vọt. Mỗi năm trung bình có trên 20% lượt khách mới và trong cuối năm 2019 là hơn 7 triệu du khách đến đến Đà Nẵng. Ông Hòa chia sẻ. Thị trường khách đến với thành phố Đà Nẵng các năm vừa qua chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc. Thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo trong những năm tới Sở Du lịch khai thác thêm thị trường tiềm năng khác là Ấn Độ, Nga, Mỹ, Châu Âu để tránh rủi ro và đa dạng hóa thị trường khách du lịch trên thế giới. Du lịch và dịch vụ đang được xem là mũi nhọn để phát triển kinh tế Đà Nẵng như nghị quyết của HĐND TP đã thông qua các kỳ Đại hội là hoàn toàn có cơ sở và đúng hướng. Đó cũng là tiền đề để Đà Nẵng thực hiện nghị quyết số 43 của BCT đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đô thị cấp châu Á và Thế giới.
Về phần mình, vốn là một ngư dân thực thụ, am hiểu nhiều vùng sông nước tại Đà Nẵng; Trong những năm vừa qua, ông Đặng Hòa đã chuyên tâm đầu tư vào ngành du lịch dịch vụ đường thủy. Từ những năm 2010 – 2015 ông Hòa đã mạnh dạn đầu tư 2 tàu du lịch với sức chứa khoảng 50 người, 1 ca nô cao tốc 25 chỗ ngồi. Hiện tại những con tàu nhỏ đã được ông thay thế bằng một tàu sắt lớn với sức chứa gấp đôi (100 người) với mức đầu tư 5 tỷ đồng và đầu tư hợp doanh với công ty Tiên Sa 1 chiếc tàu du lịch khác với giá trị con tàu là 4,8 tỷ đồng cùng 1 ca nô cao tốc 16 chỗ. Với tổng số tiền đầu tư hơn 8 tỷ đồng vào các con thuyền du lịch đã mang lại cho ông doanh thu mỗi năm chừng 2 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 25 lao động với mức thu nhập từ 6-8 triệu mỗi tháng. Tổng doanh thu của doanh nghiệp Hoàng Giang do ông làm chủ trong năm 2019 với doanh thu hơn 7 tỷ và nộp thuế tại địa phương là 475 triệu.
Khát khao làm giàu và niềm đam mê kinh doanh du lịch vận tải đường thủy tại Đà Nẵng, ông Đặng Hòa vẫn mong muốn đầu tư mạnh hơn vào phương tiện vận tải đường thủy, để khai thác triệt để tiềm năng du lịch trên sông nước tại thành phố Đà Nẵng.
Xuất thân từ một gia đình ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản, đi bộ đội, xuất ngũ rồi làm doanh nghiệp. Ông Đặng Hòa vẫn không ngừng nỗ lực học hỏi và học thêm các lớp học về kinh tế của trường đại học. Tuy tuổi đã cao (64 tuổi) nhưng ở trong ông luôn sôi nổi, giàu sự nhiệt tình trong công việc kinh doanh với mong muốn phát triển mạnh và khai thác hiệu quả hơn lĩnh vực vận tải du lịch đường thủy tại Đà Nẵng, đem lại nhiều giá trị kinh tế , giúp đỡ cho nhiều người hơn trong cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Luôn hòa đồng, cởi mở và gần gũi với mọi người, ông Đặng Hòa cũng nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn.
Chia tay ông Đặng Hòa, trong tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh người nông dân – ngư dân chân chất yêu sông nước Đà Nẵng. Ông Hòa luôn cho mình là một người nông dân nhỏ bé với tầm nhìn, kiến thức, khả năng tài chính và các mối quan hệ điều nhỏ hẹp nên luôn quyết tâm phấn đấu trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Luôn mong muốn nỗ lực vượt lên những giới hạn của bản thân mình để trở thành một người nông dân SXKD giỏi tiêu biểu trong một giai đoạn mới của đất nước, thời đại 4.0.
Bài, ảnh: Hồng Sơn