Người nâng tầm “hạt vàng” quê hương

BÁO CHÍ CHẤT LƯỢNG CAO NĂM 2023 (HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM):

BVR&MT – Sinh ra và lớn lên tại xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà (Hải Dương), năm 1982, bà Nguyễn Thị Quý bén duyên và xây dựng gia đình với ông Lê Văn Xem ở phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn (Hải Dương), một vùng sản xuất nếp cái Hoa vàng tập trung, lớn nhất thị xã với 207ha; bà Quý thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân “một nắng, hai sương” làm ra hạt gạo.

Bà Quý xúc động chia sẻ: “Lúc nhỏ, mỗi mùa vụ tôi đều phụ mẹ đi cấy, gặt lúa, phơi thóc cảm nhận được hương thơm của rơm phơi, mùi no ấm của những hạt thóc vàng. Mùi hương ấy in sâu vào ký ức tôi. Và đặc biệt, khi được thưởng thức các món ăn từ gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn như: xôi, bánh chưng, bánh lòng, cái rượu… hương vị của hạt gạo luôn đọng mãi và thôi thúc tôi xây dựng thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Duy Tân”.

Gạo nếp cái hoa vàng Duy Tân được bảo quan, đóng gói cẩn thận, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Vốn là người nhanh nhạy, năm 2000 bà Qúy đã bàn với chồng đầu tư mở cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, cùng với 24 năm kinh nghiệm trong nghề nắm được tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường, bà Qúy quyết tâm tạo dựng thương hiệu cho “hạt vàng” của người dân Duy Tân một cách bền vững.

Năm 2020, bà Nguyễn Thị Quý cùng hội viên Chi hội Nông dân khu Duyên Linh thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Duy Tân với 35 thành viên; bà được tín nhiệm giữ chức Giám đốc Hợp tác xã. Ban đầu Hợp tác xã thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho 5 héc ta nếp cái hoa vàng của thành viên. Toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu chọn giống, gieo cấy, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được kiểm soát chặt chẽ theo hướng hữu cơ. Khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói thực hiện đúng quy trình bảo đảm về chất lượng, an toàn. Ông Lê Văn Hòa, thành viên Hợp tác xã phấn khởi chia sẻ: “Khi tham gia Hợp tác xã, chúng tôi luôn chủ động và yên tâm trước mỗi mùa vụ. Được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với thị trường, ai cũng rất phấn khởi”.

Năm 2021, bà Quý tích cực tham gia vào Chi hội nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ gạo nếp cái hoa vàng an toàn” phường Duy Tân, tạo thêm cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng các thành viên Hợp tác xã, bà tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trên các trang mạng xã hội… Khi đi xa về gần, bà đều mang sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng làm quà biếu tặng, ai nấy đều hết lời khen ngợi. Vụ mùa năm nay, Hợp tác xã đã bao tiêu cho gần 15 héc ta nếp cái hoa vàng của 40 thành viên, sản lượng gần 70 tấn thóc. Hợp tác xã cũng mở rộng quy mô nhà xưởng hơn 300 mét vuông với hệ thống thiết bị, lò sấy công suất lớn, máy xay sát liên hoàn, đóng gói hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, ngoài ra còn kết nối, tiêu thụ hàng chục tấn gạo cho người dân thị xã. Tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, bà Qúy cùng các thành viên HTX tích cực đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong cả nước qua trang mạng xã hội, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó mà sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của HTX đã được nhiều người lựa chọn tin dùng, giá trị ngày càng được nâng lên.

Bà Qúy tích cực quảng bá sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng tại các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Tùng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Tôi đã ăn thử nhiều loại gạo nếp, mỗi loại có một vị đặc trưng nhưng riêng gạo nếp cái hoa vàng Duy Tân tôi đánh giá cao về chất lượng, bởi gạo có vị thơm ngon đặc trưng, hạt gạo bóng, không gãy, khi nấu không bị nát, dẻo thơm… Tôi đã quyết định đưa vào nhà hàng ẩm thực của gia đình để chế biến thành món xôi, chè vào thực đơn cho khách hàng thưởng thức. Nhiều khách hàng rất thích món ăn này từ gạo này”.

Vào thời điểm thu hoạch nếp cái hoa vàng, bà Qúy thường bận rộn khi vừa thu mua, vận chuyển thóc về khu nhà xưởng HTX để sấy, say xát, đóng gói thành phẩm. Bà Qúy bộc bạch: “Để có sản phẩm thực sự chất lượng đến tay người tiêu dùng, giữ được uy tín nên tự mình tham gia vào các công đoạn tôi mới thực sự yên tâm. Những ngày thu hoạch rộ, không kể sớm hôm có mặt tại đồng ruộng, nhà xưởng để kịp các công đoạn”. Để sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng giữ được thương hiệu trên thị trường, mỗi thành viên của Hợp tác xã Nông sản sạch Duy Tân luôn chú trọng thực hiện từ khâu sản xuất, thu mua, bảo quản, đóng gói tiêu thụ, gửi trọn chữ “tâm” vào mỗi “hạt vàng”. Đồng thời tích cực góp sức xây dựng gạo nếp cái hoa vàng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.

Vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông sản sạch Duy Tân.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân phường Duy Tân cho biết: “Bà Nguyễn Thị Qúy là người tâm huyết với việc nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Duy Tân nói riêng và Kinh Môn nói chung. Những tấn gạo liên tục được đóng gói, vận chuyển cung cấp ra thị trường là minh chứng rõ nhất cho quyết tâm và tình yêu với nông sản đặc hữu truyền thống của bà Qúy và hiệu quả hoạt động của HTX nông sản sạch Duy Tân”. Vụ mùa năm 2023, thị xã Kinh Môn thực hiện sản xuất hơn 700 ha lúa nếp cái hoa vàng, tập trung ở các xã, phường: Duy Tân, Tân Dân, Hoành Sơn, Hiến Thành, Phú Thứ. Thị xã Kinh Môn quan tâm, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn giống lúa chất lượng, tập huấn quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, cùng với thời tiết thuận lợi nên cây lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi cho năng suất cao 52 tạ/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với vụ mùa năm trước. Giá thóc thu mua tại ruộng 1.250.000 đồng/tạ. Trừ chi phí đầu tư, người dân thu lãi 1.800.000 đồng/sào. Người dân thu hoạch đến đâu tiểu thương thu mua hết đến đó. Nhiều tiểu thương thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, người dân phấn khởi khi đầu ra thuận lợi.

Từ bàn tay khéo léo và tài nghệ ẩm thực, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn đã được người dân chế biến thành nhiều món ăn ngon như: xôi nếp, bánh chưng, bánh dày, bánh lòng để dâng cúng tổ tiên, thần phật trong dịp lễ, Tết hoặc thết đãi khách quý. Gạo nếp cái hoa vàng của thị xã Kinh Môn còn được nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh lựa chọn để chế biến sâu, phát triển thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu từ sản phẩm nông nghiệp truyền thống này đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ, trở thành thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam như: rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, rượu ngô nếp, gạo nếp cái hoa vàng An Sinh Vương.

Rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm (OCOP 4 sao) có mặt tại các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Gạo nếp cái hoa vàng của thị xã đã có nhãn hiệu tập thể với tên gọi Nếp cái hoa vàng Kinh Môn và được Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cấp mã số hàng hóa. Năm 2017, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được bình chọn là 1 trong 150 sản phẩm đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Nhờ có thương hiệu và chất lượng tốt nên gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn tiêu thụ ổn định, giá luôn cao hơn các loại gạo nếp khác.

Quỳnh Anh