BVR&MT – Trong ngôi làng bên dòng Đăk Bla huyền thoại ấy, người già người trẻ sống yên bình bên dòng sông, và họ giữ lại những ngọn lửa hồng cho làng cổ mấy mươi đời qua.
Chung chiêng lửa làng
Cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 8 km, làng Kon K’Tu ( thuộc xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum) là một ngôi làng cổ tập trung nhiều người Bahnar còn lại hiện nay sau rất nhiều biến động của thời cuộc. Đó là ngôi làng cổ còn giữ lại hầu như nguyên vẹn nhất những ngôi nhà cũ trên miền cao nguyên này, tuổi của làng cũng cao như những người cao tuổi nhất ở đây. Trước năm 1920, làng rất đông dân sống vui vẻ bên nhau nhưng rồi qua một trận dịch đậu mùa, người bệnh chết quá nhiều nên những người còn khỏe cũng sợ hãi bỏ làng ra đi. Cơn đại dịch lắng xuống, những người sống sót tìm về làng cũ nhưng chỉ còn lại mấy gia đình nhỏ vẫn bám trụ. Thời gian dần trôi, nơi đây dần trở thành làng đông
đúc với trên 100 hộ và khoảng 600 khẩu như hiện nay. Với người làng, thì Kon K’tu này là nơi đầu tiên họ được nuôi lớn, nơi tâm hồn họ thấm đẫm trong văn hóa dân tộc mình. Những người già vẫn thủy chung với làng cũ có lẽ vì trong sâu xa, họ tìm thấy ở đó những gì thiết thân nhất, gần gụi nhất.
Già A Xép, già làng của Kon K’Tu giải nghĩa rằng trong tiếng Ba Na có nghĩa là làng cũ, ngôi làng có từ thời cổ xưa. Kon K’Tu chứa đựng niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vì theo quan niệm của họ, dù ở giữa sông dữ và núi hiểm, nhưng ở đâu có người Tây Nguyên lập làng thì ở đó chắc chắn có địa thế phong thủy tốt, đất đai canh tác màu mỡ, không bị khô hạn.
Nếu như hầu hết các làng ở khu vực Tây Nguyên chịu sự tác động của phát triển kinh tế xã hội dần đánh mất đi nét văn hóa đặc sắc, mất đi kiến trúc làng thì Kon K’Tu vẫn ít nhiều giữ được kiến trúc “làng tròn” với mô hình các nhà đều xây dựng xung quanh Nhà Rông chính của làng. Đây là kiến trúc cổ của các làng dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà rất ít làng còn giữ lại. Đó có lẽ là ngôi làng cổ được coi là đẹp nhất Tây Nguyên cho đến hiện tại. Ngày trước, còn có làng Kon Sơ Lan cũng của người Bahnar nhưng ở phía dãy Chư Păh bên tỉnh Gia Lai cách Kon K’tu vài chục km.
Nhưng trong một trận hỏa hoạn, làng Kon Sơ Lan đã bị thiêu rụi. Trong ký ức già A Xép, trong nỗi nhớ của nhiều người làng Kon K’tu này thì dù cuộc sống đã có nhiều đổi mới, có nhiều ngôi nhà mới khang trang để phục vụ cuộc sống tốt hơn, nhưng làng cổ này vẫn là ngôi làng của mình, với nguyên liệu hoàn toàn lấy từ rừng: Cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tranh săng. Tuyệt nhiên không tìm thấy một thứ gì bằng kim loại dù chỉ là một chiếc đinh. Quần tụ quanh nhà rông vẫn là những ngôi nhà sàn truyền thống của người Bahnar không kém phần bề thế, và tất nhiên là những nguyên liệu cũng hoàn toàn lấy từ rừng. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng. Những ngôi nhà tranh lá ấy lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào nhưng đều quây lấy nhà rông như gà con quây mẹ. Đó là ngôi nhà rông Bahnar truyền thống thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng từ lên mấy mươi đời với bề ngang dễ đến hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay.
Làng Kon K’Tu hiện vẫn còn trên 20 ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc truyền thống như thế. Nhà sàn của đồng bào Ba na có hình chữ nhật với chiều dài trung bình khoảng 10m. Mỗi căn nhà gồm 12 cây cột được chia đều mỗi bên 6 cây để tạo nên sự vững chãi, cân bằng cho ngôi nhà. Người làng thường dựng cột nhà sàn bằng gỗ cà chít, có nhà làm bằng gỗ hương, gỗ trắc… tạo nên sự bền và chắc cho ngôi nhà. Trong những ngôi nhà dài, có ba đến bốn đời người Ba na sinh sống với nhau. Đó là sự gắn kết cộng đồng dân tộc và là niềm tự hào của người Bahnar.
Nơi đây vẫn thường được lựa chọn để diễn ra các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, đâm trâu, Tết Ét đong… hàng năm. Bên cạnh đó là các trang phục truyền thống, các món ăn dân tộc đặc sắc như cơm lam, thịt gà nướng muối ớt, cá thác lát nấu chua, măng rừng xào… và tất nhiên không thể thiếu ghè rượu cần bằng nếp than cay cay ngọt lịm. Tất cả mang dư âm, hương vị của người Bahnar phong phú mà cũng rất riêng biệt.
Người mẫu của làng cổ Kon K’Tu bây giờ được coi là một trong những Làng văn hóa cổ nhất Tây Nguyên, và trong ngôi làng ấy, già làng A Xép bỗng dưng trở thành “người mẫu xịn” của làng, cho những nghệ sỹ chụp hình giữa những ngôi nhà sàn và nhà rông mang kiến trúc đặc hữu của người Bahnar. Già A Xép cười rung chòm râu bạc khi tự dưng được mang danh “người mẫu” của làng. Suốt gần 20 năm qua, chẳng hiểu vì đâu người nơi khác đến làng nhiều thế, người ta thấy già với chòm râu bạc, đôi mắt tinh anh, dàng người tráng kiện trong bộ áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T. vác chiếc rìu lên rẫy.
Hình ảnh ấy như đại diện cho văn hóa
Tây Nguyên khiến nhiều người thích thú. Và rồi họ chụp ảnh già, một người, hai người nhiều người, rồi nhiều đoàn đến. Già A Xép làm “người mẫu bất đắc dĩ” phục vụ cho những nhiếp ảnh gia và những người yêu thích bộ môn chụp ảnh. Cái dáng ngồi, dáng đứng, cách nheo mắt, nụ cười trong chòm râu bạc của già với tẩu thuốc hiện lên những tấm hình của nhiều người, được đưa đi khắp mọi nơi, cả xứ bắc lẫn xứ nam, ra cả nước ngoài nữa. Đằng sau nó còn ẩn chứa một vẻ đẹp nghệ thuật mộc mạc, dân dã đậm chất Tây Nguyên. Nhiều người bảo già A Xép là người nổi tiếng nhất làng. Già chỉ cười bảo: “Chỉ mong cái áo cái khố này lên hình đẹp, chỉ mong nhà rông này lên hình đẹp, để nhiều người biết tới làng mình hơn, nhiều người yêu văn hóa truyền thống Bahnar hơn, để truyền thống Bahnar mình còn giữ được mãi”. A Xép nói, rồi đặt tay lên ngực trái nơi có trái tim Bahnar của mình. Già bảo đã vui tự trong tim này.
Bây giờ, khi cuộc sống đổi thay nhiều hơn, làng cổ Kon K’Tu vẫn nằm men theo dãy núi phía bờ sông Đắk Bla, ở đó thấp thoáng những ngôi nhà sàn truyền thống, những nếp nhà nhỏ đơn sơ và bình dị, xen lẫn một vài khu làm dịch vụ homestay đúng nghĩa – cùng ăn, cùng sinh hoạt với gia chủ. Một ngôi nhà rông làm nơi sinh hoạt cộng đồng – nơi những đứa trẻ chơi nhảy dây vô tư lự dưới nắng. Hiện nay dân làng thường xuyên đón các du khách đến thăm và chứng kiến sinh hoạt của người dân trong làng, cũng có nhiều người xin ở lại, được ngủ tại Nhà Rông để tìm hiểu văn hóa của người Ba Na. Những năm gần đây, được sự
quan tâm đầu tư của Nhà nước, làng đã có nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống trường học, các dự án vay vốn xóa đói giảm nghèo. Nhưng làng vẫn giữ được vẻ đẹp của bao đời.
Chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, mấy chiếc thuyền độc mộc lại nhẹ lướt trên dòng Đăk Blah, đưa những người dân trở về sau một ngày làm việc trên nương rẫy, theo sau họ có thể là gánh củi khô, hay gùi rau hái được ở rừng để dùng cho bữa tối. Bên dòng nước, nhiều người cũng tranh thủ tắm giặt, trẻ con thì nô đùa trên bãi cát ven bờ. Khung cảnh thật đẹp về một cuộc sống bình yên mà thi vị giữa chốn núi rừng Tây Nguyên. Ngôi làng và dòng sông tựa như khuôn ngực căng đầy sức xuân tươi trẻ của các cô gái Bahnar hiền lành xinh đẹp, e ấp nơi bếp lửa hồng trong căn nhà sàn đơn sơ vào các buổi chiều để chuẩn bị cơm cho người đi làm rẫy trở về. Nhưng hùng ca vẫn đang còn âm vang nơi núi rừng xanh thẳm, nơi trên sàn nhà rông người hát sử thi kể chuyện của cha ông cho con cháu. Nơi góc
nhà mẹ già quay sợi bông dệt thổ cẩm cho co. Tiếng gọi heo quay về sau một ngày lang thang kiếm ăn. Thoảng trong gió đầu hè là mùi lá khô cháy từ góc vườn nhà ai quyện với chút nồng khai của gia súc, đó là mùi của bình yên, mùi của sự nhẹ nhàng. Đâu đó bên hàng rào, vài chú gà mẹ, gà con cặm cụi bới đất tìm thức ăn.
Thật may vì với guồng quay của cuộc sống hiện đại và sự phát triển của thời thế, tỉnh Kon Tum vẫn còn giữ được một ngôi làng cổ mang đậm văn hóa bản địa, lưu giữ những giá trị truyền thống đáng quý đến nhường này.
Già A Xép ngồi bên nhà rông, tay tỉ mẩn lau vết bụi trên một thân gỗ. Già bảo đây là cái cột chính của nhà rông. Đứa trẻ bên cạnh cất một tràng tiếng Bahnar, già A Xép xoa đầu không đáp, rồi lặng lẽ nhìn mông lung ra phía trước, nơi trước đó là cả một khoảng không rộng lớn cùng nhà rông vững chãi với mái cong cao vút lừng lững giữa trời xanh thẫm. Trong thấp thoáng trí nhớ của người già này, lại hiện về cái khung cảnh đêm xoang rừng rực lửa, tiếng chiêng tiếng cồng rộn cả các làng bên, điệu xoang vui thâu đêm suốt sáng, trai gái Bahnar ngả nghiêng say men rượu cần. Đó là linh hồn của làng, linh hồn của người Bahnar nghìn đời qua, và vẫn còn tiếp diễn đến hôm nay và mai sau nữa.
Tiêu Dao – Đình Dũng