BVR&MR – Là cán bộ công đoàn tiêu biểu về những sáng tạo trong lao động, Thiếu tá Võ Văn Tuấn còn được nhiều người biết tới bởi hành động dũng cảm lao mình xuống dòng Lam trong tiết trời giá lạnh để cứu người.
Nhắc đến Thiếu tá Võ Văn Tuấn, Ban Đo lường – Chất lượng, Xưởng 467, Cục Kỹ thuật, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, ai nấy đều cảm phục bởi hành động dũng cảm, không sợ hiểm nguy, lao mình xuống dòng Lam cứu người trong thời tiết mưa phùn, nhiệt độ ngoài trời chỉ 10 độ C.
“Ngày hôm đó đúng lúc đi qua cầu tôi nghe thấy người dân hô hoán vừa có người nhảy xuống sông tự tử. Ngay lập tức, tôi cởi áo nhảy theo. Rất nhiều người sau đó hỏi tôi không sợ chết à? Thú thật, lúc đó tôi chỉ thấy thương người kia chỉ vì phút bốc đồng mà có hành động dại dột. Lúc đưa được cô gái ở tuổi đôi mươi vào bờ dù lạnh run cầm cập nhưng tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Hơn nữa, xuất thân là bộ đội Cụ Hồ nên đối diện với hiểm nguy với tôi chỉ là chuyện nhỏ và tôi nghĩ sự việc vẫn trong khả năng mình có thể kiểm soát được”, người lính sinh năm 1979 thổ lộ.
Và người lính ấy thực sự cảm thấy ấm áp khi sau này nhận được lời cảm tạ từ chính cô gái được anh cứu giúp. Năm 2020 vừa qua, Thiếu tá Võ Văn Tuấn cũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương dũng cảm bởi hành động nghĩa hiệp này.
Không chỉ được biết đến với hành động dũng cảm, Thiếu tá Võ Văn Tuấn còn là cán bộ công đoàn tiêu biểu với những sáng tạo trong lao động. Trong 5 năm (2015 – 2020), anh đã có 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận đoạt giải B cấp Quân khu; giải B và C cấp cơ sở. Năm 2018, anh được nhận Giấy khen của Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Quốc phòng vì đoạt giải nhất Hội thi ngành Tiêu chuẩn đo lường chất lượng toàn quân lần thứ V.
Kể về các sáng kiến của mình, anh Tuấn cho biết, đó là sáng kiến Thiết bị kiểm tra lực cò súng bộ binh; Giá gá kiểm tra độ cong, mòn, rò rỉ nòng súng và Thiết bị nạp bột cho bình cứu hỏa các loại MFZ8, MFZ4, MFZ2. Trong 3 sáng kiến này, có sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế trong quá trình phúc tra chất lượng vũ khí bộ binh của các đơn vị trong toàn Quân khu 4 và áp dụng đến một số đơn vị phục vụ kiểm tra kỹ thuật súng bộ binh trong quá trình huấn luyện và niêm cất súng sẵn sàng chiến đấu. Có sáng kiến áp dụng vào sản xuất, sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng ở đơn vị đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nhân công, nâng cao tính chính quy hóa trong sản xuất, bổ sung thêm trang thiết bị mới vào phục vụ công tác tại đơn vị.
“Những sáng kiến này đều hình thành rất tự nhiên. Thực tiễn công tác tôi vừa suy nghĩ, tìm tòi, vừa tham khảo ý kiến của anh em để cải tiến sao cho hiệu quả hơn. Chẳng hạn như trong quy trình phúc tra vũ khí bộ binh, phần kiểm tra lực cò như nhóm súng ngắn, nhóm súng trường, nhóm súng tiểu liên, nhóm trung liên, súng chống tăng B40, B41… gặp rất nhiều khó khăn khi sử dụng lực kế chuyên dùng. Quá trình sử dụng do không có thiết bị cố định, sử dụng bằng tay gây ra tình trạng sai số rất lớn, độ chính xác không cao dẫn đến kết quả phân cấp chất lượng súng bộ binh chưa chính xác. Trong bộ dưỡng phúc tra vũ khí bộ binh không có thiết bị để kiểm tra khắc phục tồn tại trên. Đó là cơ sở để ra đời thiết bị kiểm tra lực cò súng bộ binh với kết cấu gồm: đồ gá tay cầm các loại súng; đồ gá lực kế; hệ thống truyền động bằng bánh răng và thiết bị cố định bằng ren. Sáng kiến góp phần nâng cao độ chính xác trong quá trình kiểm tra lực cò, đánh giá chính xác phân cấp chất lượng vũ khí bộ binh, rút ngắn thời gian kiểm tra kỹ thuật, phúc tra vũ khí bộ binh góp phần giải quyết tình trạng đánh giá sai chất lượng vũ khí bộ binh”, người lính quê hương đại thi hào Nguyễn Du nói.
Với 23 năm trong quân ngũ, Thiếu tá Võ Văn Tuấn cho biết từ nhỏ anh đã yêu màu áo lính bởi cả bố mẹ anh đều là thanh niên xung phong. Là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động lần thứ X, anh chia sẻ: “Nguyện vọng của tôi chỉ đơn giản là làm sao cống hiến được cho đất nước, cho Quân đội Nhân dân Việt Nam nhiều nhất có thể như lớp cha chú đi trước”./.