BVR&MT – Từ xưa đến nay, rừng luôn là một niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam, từ miền biên cương nơi sương phủ trắng đồi cho đến mũi Cà Mau hai mùa mưa nắng, trong lòng bao người con dân đất Việt đều trân quý lá phổi của cuộc sống. Để bảo vệ những lá phổi to lớn ấy, các anh – những người kiểm lâm phải sống một cuộc sống khác, khó khăn, gian khổ nhưng vẫn luôn tràn ngập tiếng cười và niềm tin.
Tuy không gặp mặt cũng chẳng biết tên các anh, nhưng tôi biết, ở nơi ấy, các anh đang ngày đêm chiến đấu để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước.
Nhớ ngày bé, tôi đã say mê tột cùng với vẻ đẹp kỳ vĩ của những cánh rừng trên khắp mọi miền tổ quốc. Từ những chuyến đi đó, tình yêu rừng trong tôi đã nảy mầm và ngày càng tha thiết. Tôi yêu tất cả những gì thuộc về rừng, yêu cây, yêu thú, yêu chim, yêu hoa lá và cả những người lính giữ rừng. Những lần tiếp xúc với các anh, sống cùng các anh, được đi rừng cùng các anh đã giúp tôi nhận ra rằng: để giữ được rừng thì chỉ sức khỏe thôi chưa đủ mà còn cần phải có một niềm tin mãnh liệt với rừng.
Kỷ niệm ngày đó vẫn in đậm dấu ấn trong tâm trí tôi. Tôi đã nhận ra được tầm quan trọng của rừng và công việc kiểm lâm đối với cuộc sống, đối với đất nước. Chỉ có chục con người với phương tiện thiếu thốn và điều kiện làm việc gian khổ nhưng ai ai cũng tràn đầy sức sống và quyết tâm bảo vệ rừng. Mỗi lần nhắc tới lực lượng kiểm lâm, trong tôi bừng lên niềm xúc động vì những khó khăn vất vả mà các đồng chí phải vượt qua đều đặn từng ngày. Đối với các anh, rừng chính là nhà vì các anh thường xuyên phải ở trong rừng ít nhất 20 ngày mỗi tháng. Nói thì đơn giản nhưng các anh phải thường xuyên tuần tra rừng liên tục không lúc nào ngơi chân ngơi tay. Bàn chân các anh đã chai sần, lúc nào cũng đau buốt, rớm máu do phải đi lại liên tục cả chục cây số mỗi ngày. Yêu cái bao la hùng vĩ của rừng bao nhiêu thì lại càng yêu những con người bám trụ trong rừng bấy nhiêu. Ngày nay, ngoài các chiến sĩ canh giữ các đảo, các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư anh dũng đấu tranh trên biển, còn có những cán bộ kiểm lâm bám trụ trong rừng để hết lòng gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Qua thời gian, nhờ những chuyến đi và tìm hiểu, cập nhật thông tin qua báo, đài, sách vở, tôi càng hiểu thêm về cuộc sống vất vả, gian khổ của các anh em, các đồng chí. Các anh hòa với rừng làm một, coi rừng là nhà, làm việc liên tục không có ngày nghỉ cuối tuần. Đứt tay đứt chân là chuyện thường tình, chưa kể bị côn trùng, động vật cắn, rồi nhiễm lạnh, nhiễm bệnh. Mặc dù, sức của các anh nhiều khi cũng không đứng vững nổi trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên, thế nhưng các anh vẫn kiên định bám rừng, giống như những cột cờ vững chắc giữa đất trời, bão giông không đốn ngã. Nhiều lần đối mặt với lâm tặc, trong gang tấc giữa cái sống và cái chết, các anh vẫn một lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; các anh vẫn bám trụ đến cùng.
Nghĩ đến những ngày nghỉ vừa qua, trong khi những người dân chúng tôi đang yên ổn, hạnh phúc cùng gia đình, bè bạn đón mừng năm mới thì những người kiểm lâm các anh vẫn đang trụ lại trong rừng sâu với niềm nhớ nhung người thân da diết. Các anh cũng có gia đình, có vợ con, có bạn bè. Với những cán bộ kiểm lâm thì mỗi lần vào rừng làm việc là một lần họ phải đối mặt với những thử thách mới trong cuộc sống và những hiểm nguy, họ phải gác hết mọi chuyện riêng tư, gia đình, bạn bè ở đất liền để dồn sức vào công việc. Có những người cán bộ kiểm lâm rất bản lĩnh, dù đối mặt với ngọn lửa hung tợn nhưng vẫn bình tĩnh phối hợp với anh em dập lửa. Tôi chợt nghĩ đến cuộc sống của những chiến sĩ hải quân ở Trường Sa và những anh em kiểm lâm, sao giống nhau đến thế! Cũng một lòng vì nhiệm vụ, cũng gạt nước mắt chia tay với gia đình, cũng kỷ luật rất nghiêm minh. Tôi nhớ lại những câu hát về người cán bộ kiểm lâm:
“Anh kiểm lâm địa bàn, đến với bản làng, vì màu xanh quê hương. Qua bao con suối khô cạn, qua bao núi đồi chập chờn. Nắng gió trên đầu, cháy xạm da anh của tháng năm cuộc đời Kiểm lâm… Hôm nay trên khắp bản làng ghi công anh thắm tô núi rừng…”
Vâng, bài hát của người kiểm lâm dù mộc mạc nhưng đã bày tỏ tình yêu vô bờ bến với nhân dân, với tổ quốc, với đồng đội. Và, tôi tin tình cảm của những con người bảo vệ rừng cũng nồng ấm như vậy, đó chính là những cán bộ kiểm lâm với niềm tin sắt đá vào bản thân, vào màu xanh đất nước. Tình yêu đó luôn bùng cháy thành ngọn lửa quyết tâm trong trái tim mỗi chiến sĩ kiểm lâm. Các anh sẵn sàng hy sinh chứ không để rừng bị xâm phạm. Đối với các anh, mỗi ngọn cây, mỗi con thú của tổ quốc đều thấm đẫm bao nhiêu xương máu của cha ông, của nhân dân ta. Bởi lẽ đó, các anh không tiếc mạng sống của chính mình để giữ bằng được rừng vàng tổ quốc.
Tôi nhớ lại câu chuyện của một cán bộ kiểm lâm. Mới 35 tuổi mà trông anh như một người ngoại ngũ tuần vì anh phải dầm sương dãi nắng trong rừng, trèo đèo lội suối làm công tác vận động quần chúng, ăn cơm vắt và tắm mưa rừng suốt bao năm trời. Tốt nghiệp Đại học, anh quyết tâm bỏ công việc thu nhập cao tại công ty lương thực để trở thành một kiểm lâm viên, ngày ngày “bám” đồng bào dân tộc để khuyên bà con không phá rừng. Với anh, tình yêu rừng sâu nặng đã thôi thúc anh trở thành cán bộ kiểm lâm, chỉ vậy là đủ để anh dành trọn cuộc đời cho màu xanh đất nước. Vậy đó, người kiểm lâm chỉ nghĩ đơn giản như vậy, đơn giản chân chất đáng yêu như bản ngã của con người Việt Nam. Thời kháng chiến gian khổ, các chiến sĩ ta đã dựa vào rừng mà sống, dựa vào cây cối để để đánh địch và hết lòng yêu quý rừng. Còn giờ đây, có những con người vì tình yêu rừng bao la mà sẵn sàng vào sống trong rừng để giữ rừng cho đất nước.
Giờ đây, sát cánh cùng đất nước đương đầu và vượt qua khó khăn chung, lực lượng kiểm lâm vẫn chung sức đồng lòng, lao động không kể ngày đêm để bảo vệ rừng một cách hiệu quả nhất. Công việc luôn được tiến hành khẩn trương với tinh thần quyết tâm cao, dù mỗi người mỗi việc, mỗi đơn vị một mảng công tác khác nhau, nhưng khi đã đi rừng thì tất cả các anh em, đồng chí đều xem nhau như anh em ruột thịt, chia sẻ vui buồn, chung sức khắc phục khó khăn.Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng trong những con người ấy luôn thắm tình đồng chí, tình bằng hữu. Điều đó thể hiện rõ trên khuôn mặt những người kiểm lâm. Quần áo họ lúc nào cũng lấm lem bùn đất, nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Đó là nụ cười giòn tan khi vừa thuyết phục thành công một gia đình đồng bào dân tộc không đốt nương làm rẫy. Đó là nụ cười hạnh phúc khi biết tin gia đình xa cách vẫn khỏe mạnh. Đó là nụ cười sảng khoái khi cất cao tiếng hát giữa rừng xanh mênh mông. Rừng là nhà đấy chứ? Đi rừng tràn nước mắt, ngập nhớ nhung nhưng cũng mừng vui như được về nhà.
Họ ngày đêm chung sức, đồng lòng lao động và chiến đấu để bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, giúp cho Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn. Những cánh rừng ngày nay không phải tự nhiên mà có, đó đều được đánh đổi bởi mồ hồi, nước mắt và cả máu, bởi công sức lao động ngày đêm của những người kiểm lâm. Từng ngày, họ đương đầu và vượt qua khó khăn của thiên nhiên khắc nghiệt, luôn đồng lòng chung sức vì sự tồn tại và phát triển của rừng, góp phần không nhỏ vào uy tín của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Những cánh rừng đó như một lời khẳng định đanh thép “núi sông Việt Nam là đây, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam là đây”. Yêu quê hương cũng là yêu rừng xanh, yêu những người kiểm lâm dũng cảm. Và tôi tìn rằng lực lượng kiểm lâm Việt Nam sẽ luôn giữ vững niềm tin kiên định với rừng của tổ quốc, để những người dân chúng tôi khi nhắc đến các anh kiểm lâm cũng đều rất đỗi tự hào.
Bài, ảnh: Đinh Thành Trung