Người dân Trung Quốc sẵn sàng chi thêm tiền để sử dụng điện sạch
BVR&MT – Hơn 90% người dân được hỏi sẵn sàng trả thêm tiền để được sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm bớt ô nhiễm không khí nhưng vẫn thiếu thị trường cung cấp. Đó là kết quả cuộc khảo sát người dân sống tại 10 thành phố do Hiệp hội Các doanh nghiệp Năng lượng tái tạo Trung Quốc (CREIA) ủy quyền cho Công ty chuyên nghiên cứu thị trường Ipsos thực hiện.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng với sản lượng điện gió và điện mặt trời cao hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, gần ¾ sản lượng điện của Trung Quốc trong năm 2015 vẫn là từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, gây ô nhiễm không khí và phát thải nhiều carbon.
Nỗi lo ô nhiễm không khí
Người dân được phỏng vấn ở tất cả các thành phố đều bày tỏ lo ngại về các vấn đề môi trường, với hơn 40% số người nhận định ở mức “rất quan ngại”; 85,6% số người được hỏi lo ngại về vấn đề không khí và 44,2% số người được hỏi cũng lo ngại về biến đổi khí hậu ở Trung Quốc.
Thái độ của người dân thành thị Trung Quốc với năng lượng sạch liên quan chặt chẽ với nỗi sợ hãi của họ với tình trạng ô nhiễm không khí hiện tại ở nước này và hơn 90% số người được hỏi nghĩ rằng sử dụng năng lượng sạch sẽ giúp giảm tình trạng ô nhiễm không khí.
Người dân cũng ủng hộ mạnh mẽ việc thể hiện thông tin về nguồn điện họ đang sử dụng trên các hóa đơn thu tiền điện. Tuy nhiên, không giống như người tiêu dùng châu Mỹ hoặc châu Âu, người tiêu dùng Trung Quốc không thể chọn nhà cung cấp điện cho họ, do vậy họ không thể dùng ví tiền của mình để thể hiện sự ủng hộ phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Người dân đã rất sẵn sàng
Khảo sát cho thấy 97,6% người được hỏi ủng hộ sử dụng năng lượng sạch để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và 44% số người được hỏi sẵn sàng chi thêm 10 nhân dân tệ cho hóa đơn điện hàng tháng của họ để được sử dụng năng lượng sạch. Trong đó, mức độ sẵn sàng chi thêm tiền để mua năng lượng sạch của người dân Bắc Kinh cao hơn ở các thành phố khác. Kết quả này cho thấy mức độ sẵn sàng của người dân Trung Quốc còn cao hơn cả người dân ở các nước phát triển hơn như Mỹ hoặc Anh.
Một cuộc khảo sát vào 2015 đối với các hộ gia đình ở Anh cho thấy chỉ 48% muốn chi thêm tiền điện hàng tháng để tài trợ đầu tư vào năng lượng sạch. Một khảo sát khác vào năm 2014 đối với người dân Mỹ cho thấy chỉ 52% số người được hỏi sẵn sàng trả giá cao hơn để mua điện từ các nguồn tái tạo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia năng lượng nhận định sức tiêu thụ của thị trường điện dân dụng vẫn quá yếu để có thể tạo ra thay đổi mang tính quyết định quyết định cho cơ cấu ngành năng lượng của Trung Quốc, mặc dù nguồn năng lượng sạch nước này rất dồi dào.
Quyền lực của người tiêu dùng rất hạn chế
Ông Liu Qiang, phụ trách năng lượng của Viện Kinh tế Kỹ thuật và Thống kê thuộcViện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng người dân Trung Quốc muốn sử dụng năng lượng sạch là điều dễ hiểu vì họ đang sống trong tình trạng môi trường tồi tệ. Nhưng ông Liu cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng Trung Quốc ít có khả năng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp năng lượng nước này vì họ chỉ là một phần nhỏ của thị trường điện nước này.
Báo cáo Phát triển Điện năm 2016 của Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết điện tiêu dùng trong các hộ gia đình chỉ chiếm 13,1% tổng mức tiêu thụ điện cả nước.
Các nhà máy chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ điện ở Trung Quốc và đang chống chọi với tình trạng suy thoái kinh tế, vì vậy họ sẽ đấu tranh để ngăn chặn sự gia tăng về chi phí tiền điện.
Hiện các hộ gia đình đều không biết nguồn điện họ sử dụng đến từ đâu cũng như không thể lựa chọn nhà cung cấp điện cho họ. Doanh nghiệp sản xuất vẫn muốn mua điện với giá thành rẻ. Trong khi đó, các nhà cung cấp điện từ các nguồn khác nhau cũng có những xung đột lợi ích.
Vấn đề cơ cấu ngành điện
Nguồn năng lượng từ gió và mặt trời ở Trung Quốc đã bị lãng phí rất lớn trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng đang muốn nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn cung năng lượng nước này.
Theo ông Peng Peng, người đứng đầu bộ phận chính sách của CREIA, “chính quyền nhiều địa phương đang vi phạm trắng trợn các quy định của Luật Năng lượng tái tạo về mua tất cả điện từ các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Để tăng nguồn thu từ thuế và tăng việc làm, các địa phương thường thích nhiệt điện hơn điều đó đã dẫn đến bỏ phí năng lượng tái tạo. Năm 2015, 38,8 tỷ kWh điện gió và điện mặt trời của Trung Quốc đã bị lãng phí – tương đương lượng điện tiêu thụ cả năm của Hungary.
Bà Christine Lins, Mạng lưới Năng lượng tái tạo REN21 bình luận, việc ít sử dụng năng lượng tái tạo đã làm giảm lợi nhuận tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo và về lâu dài sẽ giảm đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó sẽ làm chậm lại quá trình phát triển năng lượng tái tạo.