BVR&MT – Ô nhiễm môi trường đang tác động trực tiếp và nặng nề đến cuộc sống của người dân, trong khi hiệu quả những chính sách bảo vệ môi trường còn quá thấp.
Những ngày qua, báo chí Hàn Quốc đưa một thông tin khá hài hước: Lãnh đạo huyện Jindo, tỉnh Jeonnam lén đổ 6 tấn rác ra bờ biển để người dân có cái để nhặt nhân ngày “Làm sạch bờ biển”.
Việc làm trên của nhà chức trách địa phương đã bị khiển trách, nhưng chính người dân nơi đây cho biết bờ biển của họ được dọn dẹp hằng ngày, chẳng còn gì để nhặt. Câu chuyện rất đơn giản nhưng cho thấy sự thành công của chính sách bảo vệ môi trường mà Hàn Quốc đã thực hiện trong mấy mươi năm qua. Không chỉ rác thải mà môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sản xuất… đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Bởi vậy, Hàn Quốc là một trong những quốc gia thu hút du khách hàng đầu thế giới.
Cũng trong bối cảnh này, trên các báo ở Việt Nam đưa tin: Hà Nội và TP HCM bụi mù, ô nhiễm không khí; rừng tiếp tục bị tàn phá; người dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm; doanh nghiệp tàn phá cảnh quan thiên nhiên… Ô nhiễm môi trường đang tác động trực tiếp và nặng nề đến cuộc sống của người dân, trong khi hiệu quả những chính sách bảo vệ môi trường còn quá thấp.
Ngay chuyện phân loại rác thải, từ năm 2006-2009, Hà Nội được Tổ chức JICA của Nhật hỗ trợ triển khai thí điểm nhưng đến nay có thể nói chưa đến đâu. Nhiều địa phương khác mới bắt đầu triển khai, phần lớn người dân còn chưa phân biệt được chất thải hữu cơ và vô cơ. Quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay gần 30 năm nhưng rất nhiều nơi vẫn xung đột với quyền lợi của người dân về môi trường. Và hiện nay, ngày ngày vẫn luôn có bao công trình xâm hại thiên nhiên, bức hại môi trường, đe dọa cuộc sống của người dân nhưng vẫn được ưu ái cấp phép với chủ trương phát triển kinh tế.
Không ít lãnh đạo địa phương cho rằng mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là tất yếu. Đồng ý là có nhưng không phải tất cả và càng không thể lấy lý do này để xâm hại môi trường. Nguồn lợi từ môi trường mang lại phải được mọi người dân hưởng thụ chứ không đơn giản là rơi vào tay các nhà đầu tư. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn, năng lực và cả tâm ý của người lãnh đạo. Những năm qua, nhiều địa phương sẵn sàng giao những khoảnh rừng phòng hộ cho doanh nghiệp, giao những rẻo đất xinh đẹp nhất, trong lành nhất cho nhà đầu tư du lịch, ồ ạt xây khu công nghiệp bất chấp nguồn nước thiết yếu của người dân bị ô nhiễm… Lợi nhuận của nguồn tài nguyên trên, nói thẳng phần lớn vào tay doanh nghiệp. Nhiều nơi hoang phí, phá hoại môi trường để rồi phải trích ngân sách khắc phục.
Thế nhưng, cũng có nơi làm rất tốt. Thay vì ồ ạt xây nhà máy, Quảng Nam kiên quyết bảo vệ các di sản, hướng người dân đầu tư chăm sóc ngay môi trường sống của mình để phát triển ngành công nghiệp không khói: Du lịch. Từ một tỉnh nghèo, tài nguyên kém, năm 2018 thu ngân sách của tỉnh này đã vượt qua 21.000 tỉ đồng. Trong năm này, doanh thu từ tham quan, lưu trú đạt 4.500 tỉ đồng, còn thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 11.000 tỉ đồng. Thu nhập xã hội từ du lịch có nghĩa rằng chính người dân địa phương hưởng lợi từ con số ấy. Có thành quả, người dân sẵn sàng bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nồi cơm của mình.