BVR&MT – Ngày trước thấy ông Vừ Chả Chống (bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khổ nhọc đi trồng những cây gỗ mà phải chờ đến hàng chục năm cây mới lớn, nhiều người cho rằng ông “dở hơi”. Nhưng đến nay khi chứng kiến rừng cây samu, pơmu quý hiếm đang vươn lên xanh tốt thì thì ai cũng khâm phục và nhiều người làm theo cách của ông.
Trở về núi làm giàu
Vừ Chả Chống sinh ra trong gia đình đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Huồi Tụ. Năm 1984 trước tình hình phỉ hoạt động gây nhiều phức tạp, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ, mong muốn góp sức mình bảo vệ sự yên bình cho quê hương, làng bản.
Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ về quê, ông tận mắt chứng kiến cuộc sống đồng bào Mông và gia đình mình nhiều đói khổ, ăn cũng chưa đủ chưa nói gì đến làm kinh tế. Vùng núi cao Huồi Tụ lúc bấy giờ còn hoang sơ, không điện, không đường, không trường, không trạm y tế. Sẵn chất lính trong người, ông tự hứa với lòng mình, phải làm một cái gì đó để thay đổi cuộc sống của mình và của đồng bào.
Đến đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Vừ Chả Chống mạnh dạn làm đơn xin chính quyền nhận 8 ha đất trống đồi trọc để xây dựng trang trại, trồng cây lâm nghiệp. Ở vùng cao nghèo, vốn liếng duy nhất vợ chồng ông có lúc đó là sức lao động và ý chí quyết tâm được rèn luyện từ những ngày trong quân ngũ. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông đầu tắt mặt tối trên rẫy. Lúc mới nhận đất, vợ chồng ông loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, đưa lại hiệu quả kinh tế, nhưng rồi sau khi tìm hiểu qua sách vở, được sự chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè, vợ chồng ông chọn giống chè Tuyết Shan để trồng, thả gà đen và nuôi lợn lai. Hàng ngày, hai vợ chồng ông bận rộn trên rẫy, chỉ trở về nhà khi trời đã tối hẳn.
Không phụ công người vất vả, từ hai bàn tay trắng, trang trại vườn đồi của ông ngày càng xanh tốt, chè thu nhập khá, chăn nuôi hàng năm cũng cho ông cả trăm triệu đồng. Có kinh tế, vợ chồng ông đã nuôi 4 người con ăn học trưởng thành. Nay người con gái đầu của ông đã là giáo viên ngay trên quê hương Huồi Tụ, người con gái thứ 2 hiện đang học Đại học Y Dược Huế, hai người con còn lại đang học tại các trường dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn.
Đã nói là làm, bằng sự cần cù, chịu khó và ý chí quyết tâm, ông Vừ Chả Chống đã vươn lên làm giàu, thay đổi được cuộc đời mình và thay đổi cả nhận thức của đồng bào trên chính mảnh đất quê hương.
Trăn trở, gây dựng lại rừng cây gỗ quý
Có những thành công ban đầu, khi vấn đề kinh tế không còn quá đè nặng, người cựu chiến binh lại trăn trở bởi những khắp núi rừng quê hương chỉ còn những mảng đồi trọc.
Khi sinh ra, ông đã thấy những cánh rừng Samu, Pơmu xanh ngút ngàn quanh bản làng nhưng vì cái đói, cái nghèo lại thiếu hiểu biết nên người dân đã phá rừng làm rẫy, lấy gỗ để làm nhà, chặt bán lấy tiền để trang trải cuộc sống. Thương mảnh đất quê hương nghèo khó, ông đặt ra quyết tâm sẽ khôi phục lại những rừng Samu, Pơmu để cho con cháu đời sau.
Không quản ngại vất vả, ông Vừ Chả Chống khăn gói tìm đến các cánh rừng ở Tây Sơn, Na Ngoi … huyện Kỳ Sơn và ra cả các tỉnh phía Bắc để tìm cây giống. Bắt đầu từ vài chục cây giống được ông mang về trồng thí điểm trên các đồi chè của gia đình, nhờ quen thuộc thổ nhưỡng, khí hậu những cây Samu, Pơmu đã nhanh bén đất và phát triển.
Ông Vừ Chả Chống vui vẻ nói: “Nhiều lần vào rừng tôi phát hiện hạt của hai loại cây này rất dễ nảy mầm khi được tấp mùn lá cây dày. Tôi đã thử áp dụng và hiệu quả không ngờ. Các quả già rụng xuống tôi lại xới đất ngay dưới gốc vun vào rồi lấy lá cây tấp lại. Sau khi cây nở mầm cao tầm 15cm thì đào thành bầu cho vào túi bóng hay làm bầu cây giống. Nhờ vậy, tôi tự nhân giống tại vườn chứ không phải đi tìm cây giống nữa”
Với bàn tay chăm sóc của mình, đến nay, ông Vừ Chả Chống đã sở hữu hàng nghìn gốc Samu, Pơmu. Trong số 8 hecta nhận trồng rừng ông Chả Chống đã có 5 hecta trồng với số lượng hơn 1.500 gốc samu và hơn 1.000 gốc pơ mu. Những diện tích còn lại ông cũng đang tiếp tục trồng xen canh hai loại cây này cùng các loại cây ngắn ngày khác.
Không những vậy để nhân rộng diện tích rừng cây Samu, Pơmu, ông Vừ Chả Chống còn cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều gia đình khác trong vùng. Giờ đây, nhìn từ xa hàng cây số giữa núi đồi trùng điệp của vùng đất Huồi Tụ không khó để nhận ra đồi cây Samu, Pơmu của cựu chiến binh Vừ Chả Chống bởi nhiều cây đã lớn bằng thân vài người ôm, ngọn cây dựng lên như những tòa tháp đứng sừng sững giữa núi rừng.
Khi nguồn gỗ quý hiếm tự nhiên ngày càng ít đi bởi sự khai thác, tàn phá của con người, thì với suy nghĩ đơn giản là phải cứu giống cây quý hiếm này, lưu giữ nét bản sắc riêng của bản làng mình, người cựu chiến binh Vừ Chả Chống vẫn đang ngày đêm nỗ lực hết mình để trồng, chăm sóc và bảo vệ hàng nghìn cây Samu, Pơmu quý hiếm. Thành quả của ông hôm nay là kết quả xứng đáng cho những tháng ngày lặn lội, vất vả và những nỗ lực của vợ chồng ông, nhưng cũng là động lực khích lệ cho những đồng bào Mông ở quê hương ông và cả những người đang làm công tác bảo vệ, phát triển rừng nơi đây để tin tưởng vào sự hồi sinh của những cánh rừng nơi biên cương tổ quốc.
Đình Nguyên