BVR&MT – Giống nhiều địa phương trong cả nước, giá thịt lợn hơi tại TP. Hải Phòng vẫn không ngừng “lao dốc”, khiến người chăn nuôi lao đao và rơi vào tình cảnh khốn khó.
Bà Nguyễn Thị Điệp, ở thôn 9, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) than thở, nói: “Không bán nhanh thì phá sản. Nhưng bán cũng không dễ, vì mặc dù giá lợn hơi rẻ chỉ còn từ 20.000 đến 23.000 đồng/kg, nhưng thương lái vẫn chê ỉ eo vì lợn to hơn một tạ, họ còn trả thấp hơn. Người chăn nuôi chúng tôi chẳng còn biết sao bây giờ”.
Những ngày qua, bà Điệp như ngồi trên đống lửa khi nhìn đàn lợn mười con trong chuồng đang réo ăn. Mỗi con đều có trọng lượng hơn một tạ. Nhìn chúng đòi ăn mà xót xa. Mỗi ngày chúng ăn hết hơn một bao cám. Mỗi bao có trọng lượng 25 kg được bán với giá 265.000 đồng. Trong khi đó, giá lợn hơi liên tục sụt giảm và chưa có dấu hiệu dừng. Càng nuôi, càng lỗ.
Bà Điệp cho hay, gia đình bà nuôi đàn lợn 20 con. Dịp Tết, giá lợn hơi giảm chỉ còn 28.000 đồng/kg, tiếc của, bà chỉ dám xuất chuồng mười con, đành chấp nhận lỗ vốn mỗi con lợn một triệu đồng và nuôi mười con còn lại chờ giá lên. Nào ngờ, giá lợn lại tiếp tục hạ thấp và thê thảm hơn.
Đó là tình cảnh của người chăn nuôi lợn hiện nay tại nhiều vùng quê không riêng gì Hải Phòng khi mà giá thịt lợn hơi từ Tết Đinh Dậu đến nay liên tục sụt giảm.
Tương tự như vậy, gia đình chị Lê Thị Lan, ở cùng thôn 9, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) tổ chức nuôi lợn quy mô hơn và giờ cũng đang khốn khổ với khoản lỗ lớn. Đàn lợn hơn 40 con, khi mua giống gần 40.000 đồng/kg. Nuôi năm tháng, trừ tiền thức ăn, chi phí, chưa tính công người nuôi, mỗi con lỗ vốn gần hai triệu đồng. Tính ra, gia đình chị lỗ ngót trăm triệu đồng. Trong khi đó, món vay ngân hàng 25 triệu đồng để sửa sang chuồng trại chăn nuôi trước đó, chị Lan mới trả được 14 triệu đồng. Gia đình chị chủ yếu công việc và thu nhập trông vào chăn nuôi, không thể để trống chuồng.
Ở các địa phương khác như: Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão… người nuôi lợn cũng đang trong tình trạng đành chịu lỗ bỏ tiền mua cám cho lợn ăn để chờ đợi giá lợn nhích lên. Do giá vừa thấp, lại không tiêu thụ được nhiều gia đình đã tổ chức mổ lợn để tự tiêu thụ theo kiểu chung nhau “đụng” một con lợn hoặc mổ để bán lẻ tại địa phương…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng Phạm Văn Hà cho biết, tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố khoảng 400 nghìn con. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cùng các ngành chức năng thành phố tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, bảo vệ đàn lợn và thiết lập các mối liên kết nhằm tăng mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi… Nhưng cũng rất khó khăn do thị trường tiêu dùng nội địa có hạn, trong khi giá thịt lợn sụt giảm lại mang tính chất khu vực rộng lớn…
Trước tình cảnh điêu đứng của người chăn nuôi hiện nay, mong rằng các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp kịp thời hỗ trợ bà con trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ và quy hoạch tổng đàn cân đối, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, tránh để người chăn nuôi rơi vào thế khó như hiện nay.