BVR&MT – “Mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, tận mắt chứng kiến những khó khăn của quê nhà nên luôn trăn trở làm được gì đó để góp phần tạo sự thay đổi cho quê hương. Đây chính là động lực để mình nỗ lực cùng với địa phương đem lại những đổi thay ban đầu như hôm nay!”- chị Trương Thị Luôn tâm sự.
Nặng lòng và trách nhiệm
Chúng tôi đến thăm làng Cheng Tông (thuộc thôn 1, xã Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào giữa trưa một ngày cuối tháng ba.
Thời điểm này đã giữa mùa khô của miền núi. Con sông Tranh chảy qua làng Cheng Tông đang dần kiệt nước. Dưới cái nắng tháng ba của miền núi, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà Rông và cũng là nhà sinh hoạt cộng đồng làng Cheng Tông, chị Trương Thị Luôn- Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 1 vui vẻ cho biết, ngôi nhà Rông này là công trình của sự đoàn kết, chung sức, chung lòng mà bà con trong làng đã tự nguyện quyên góp công sức, cây, lá… xây dựng nên.
Qua chia sẻ của chị Luôn, chúng tôi được biết, ngôi nhà Rông và là nhà sinh hoạt cộng đồng của làng này được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2020, đầu năm 2021. Đây là công trình xuất phát từ ý tưởng đến hình thức xây dựng và cách huy động sự đóng góp của người dân, do chính chị Luôn nghĩ ra và đề xuất với Chi bộ, Ban nhân dân thôn 1 để thực hiện.
“Trước đó, cũng bằng hình thức đưa ra ý tưởng rồi kêu gọi dân làng đóng góp công sức và tranh thủ thêm các nguồn hỗ trợ từ xã, huyện và mạnh thường quân, nhiều công trình ý nghĩa khác tại làng Cheng Tông cũng đã ra đời, đưa vào hoạt động. Đó là các công trình: trường mầm non Cheng Tông, cầu Trà Cang bắt qua sông Tranh vào làng hay hệ thống giao thông, hệ thống ống nước sạch….phục vụ cho sinh của người dân đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của làng cũng như nâng cao đời sống của người dân trong làng”- chị Trương Thị Luôn cho biết.
Là một làng 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (hầu hết là đồng bào Xơ Đăng), đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, dân trí thấp; tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, Cheng Tông có nhiều thay đổi đáng kể. Tác giả của những ý tưởng, công trình góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê này là một cán bộ nữ trẻ, có tấm lòng hết mình vì cộng đồng; luôn nhiệt huyết và năng nổ nghĩ ra để đề xuất cùng tập thể cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thôn để vận động nhân dân thực hiện. Đặc biệt, từ những thành công của làng Cheng Tông, 7/8 làng còn lại của thôn 1 xã Trà Cang đến nay cũng học tập, nhân rộng và thành công như Cheng Tông.
Người cán bộ nữ trẻ là tác giả của ý tưởng và cách xây dựng những công trình đầy ý nghĩa ấy chính là chị Trương Thị Luôn (sinh năm 1991). Với 9 năm tham gia công tác tại thôn và nắm giữ nhiều vị trí: Bí thư đoàn thôn 1 (giai đoạn 2012-2013); Trưởng thôn kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 1 (2014-2015); Trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng phụ nữ thôn 1 (2016-2018); Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 1 (2018-2020); Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn 1 (2020 đến nay).
Chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi động lực nào mà chị cùng tập thể cấp ủy, Ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thôn 1 đã làm tốt các mặt công tác như vừa qua? Chị Trương Thị Luôn cho hay: “không gì ngoài sự nặng lòng và trách nhiệm trước bà con, nhất là mong muốn cháy bỏng phải làm gì đó để đời sống người dân trong làng, trong thôn được phát triển, không còn đói nghèo và các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không còn cảnh con em thiếu học, bỏ học nữa”.
Một cán bộ trẻ có năng lực…
Trước khi đến thăm làng Cheng Tông và được gặp đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 1 (xã Trà Cang), chúng tôi được Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Trà My Lê Thanh Hưng cho biết: Trương Thị Luôn là một trong những cán bộ trẻ, nữ, lại xuất thân là người đồng bào dân tộc thiểu số, làm việc rất có trách nhiệm, có uy tín trong đồng bào địa phương, được huyện đánh giá rất cao.
“Là huyện miền núi còn khó khăn nhất nước, có mặt bằng dân trí thấp, đặc biệt là thiên tai lũ lụt, sạt lở… thường xuyên đe dọa nên huyện Nam Trà My rất cần những cán bộ có tâm huyết, có năng lực và uy tín như đồng chí Trương Thị Luôn. Trong điều kiện gần đây, địa phương nhận thấy nguy cơ sạt lở, người dân làm ăn thiếu bền vững, tự phát… đang là những lý do thường trực và đầu tiên nhất dẫn đến khó khăn, nghèo đói. Nhưng để giải quyết dứt điểm là không dễ và không phải ngày một, ngày hai; đồng thời phải cần một đội ngũ “đầy tớ của dân”, nhất là ở cơ sở sát dân, gần dân để thấu hiểu, đủ uy tín, đủ thuyết phục, làm gương, vận động nhân dân nỗ lực làm ăn, từ bỏ rượu bia, từ bỏ mê tín, các tập tục lạc hậu, đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… thì đồng chí Luôn và một số cán bộ khác đã gương mẫu, tận tụy, nỗ lực hết mình, trở thành những tấm gương để cộng đồng cùng làm theo. Cũng nhờ sự sâu sát và thấu hiểu nhân dân, đồng chí cũng thường xuyên có những tham mưu, đề xuất kịp thời và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của trên cũng như xã hội để giúp người dân địa phương phát triển đời sống… Đây vấn đề vô cùng thiết thực, đáng được biểu dương và nhân rộng”- Bí thư huyện ủy Nam Trà My nhận xét.
Trong khi đó, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trà Cang Trần Xuân Mố: “Đồng chí Luôn từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất sớm nhưng đã vượt qua điều kiện, hoàn cảnh khó khăn; đã biết chủ động rèn luyện, cống kiến để trở thành một cán bộ, đảng viên trẻ có năng lực, có phẩm chất và uy tín. Rất nhiều đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn công tác của đồng chí đã được cấp ủy, chính quyền xã và thôn áp dụng. Nhiều ý tưởng và cách làm của đồng chí tại làng Cheng Tông và thôn 1 đã được xã, huyện nhân rộng, hiện rất thành công”.
Đồng chí Trần Xuân Mố điển hình, vấn đề sắp xếp bố trí dân cư và vận động nhân dân rời bỏ cách sống cũ ở rải rác khắp các triền đồi, ven suối rất nguy hiểm để về khu quy hoạch làng mới ổn định và an toàn được đồng chí Luôn thực hiện khá triệt để và quyết liệt.
Để thuyết phục người dân từ bỏ nơi ở cũ ven các triền đồi cao, ven suối rất nguy hiểm để sống tập trung thành làng như hiện nay, vợ chồng chị Luôn đã xuống trước cất nhà, làm ruộng, trồng cây và hoa màu để phát triển kinh tế, trở thành gương đầu cho cả làng làm theo. Sau khi làng ổn định, chị lại vận động người dân và xin hỗ trợ của trên cũng như mạnh thường quân kinh phí, vật liệu để làm đường bê tông, làm trường mầm non, nắp nước sạch, xây nhà cộng đồng…
Song song với vận động người dân là đề xuất tập thể Chi bộ, Ban nhân dân thôn, Ban công tác Mặt trận thôn và các đoàn thể, nhất là chi hội phụ nữ thôn cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo gắn với hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, trồng những cây, con cho kinh tế và từ bỏ các tập tục lạc hậu, thi đua lao động sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. “Chị Luôn và làng Cheng Tông đã thành công như hiện nay”- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Mố khẳng định./.