Ngừng can thiệp vào động vật hoang dã để hạn chế virus truyền bệnh

BVR&MT – Một nghiên cứu quy mô vừa được công bố trên Tạp chí Proceedings of the Royal Society B kết luận rằng săn bắn, canh tác và tình trạng người dân đổ về các thành phố trên toàn cầu đã khiến đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng và tăng nguy cơ lây lan virus nguy hiểm như Covid-19 từ động vật sang người.

Nghiên cứu cho thấy các loài gặm nhấm, dơi và linh trưởng là vật chủ cho gần 75% virus. (Ảnh: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

Các nhà khoa học từ Úc và Mỹ đã truy tìm những loài động vật có khả năng chia sẻ mầm bệnh với con người thông qua việc lấy 142 loại virus truyền từ động vật sang người qua nhiều năm rồi đối chiếu với các loài bị đe dọa trong Sách đỏ IUCN. Kết quả cho thấy các động vật được thuần hóa như gia súc, cừu, chó và dê có số lượng virus chung với con người cao nhất, gấp 8 lần các loài động vật có vú hoang dã.

Đáng chú ý là loài động vật hoang dã nào thích nghi tốt với môi trường do con người chủ đạo thì có chung nhiều virus với con người hơn. Các loài gặm nhấm, dơi và linh trưởng – thường sống chung với con người, ở gần nhà và trang trại – được coi là vật chủ của gần 75% các loại virus. Chỉ tính riêng dơi cũng có liên quan đến các bệnh như SARS, Nipah, Marburg và Ebola.

“Con người xâm lấn vào những khu vực giàu đa dạng sinh học làm tăng nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm mới do tạo thêm cơ hội tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã… Chúng tôi thấy rằng các loài linh trưởng và dơi có khả năng chứa virus bệnh dịch nhiều hơn đáng kể mọi loài khác”, nghiên cứu chỉ rõ.

Thương lái bán thịt dơi ở một ngôi chợ tại Indonesian vào tháng 2/2020. Dơi được cho là liên quan đến các bệnh dịch như SARS, Nipah, Marburg và Ebola (Ảnh: Ronny Adolof Buol/Sijori Images/ZUMA Wire/REX/Shutterstock)

Christine Kreuder Johnson, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là Giám đốc Trung tâm động lực học bệnh dịch thuộc Viện One Health – một chương trình của Trường Thú y UC Davis, cho biết: “Lây truyền virus từ động vật sang con người là kết quả trực tiếp từ các hành động của chúng ta can thiệp vào động vật hoang dã và sinh cảnh của chúng”.

“Hậu quả là chúng chia sẻ virus với chúng ta. Những hành động này đồng thời đe dọa sự tồn tại của loài và làm tăng nguy cơ lây truyền”.

“Chúng ta cần thực sự chú ý đến cách mình tương tác với động vật hoang dã và các hoạt động đưa con người và động vật hoang dã lại với nhau. Rõ ràng chúng ta không muốn xảy ra đại dịch ở quy mô này. Chúng ta cần tìm cách cùng tồn tại an toàn với động vật hoang dã vì chúng luôn có virus để lây lan cho chúng ta”.

Hơn 200 nhóm hoạt động về động vật hoang dã trên thế giới đã gửi thư cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi WHO khuyến nghị các nước tiếp cận mang tính phòng ngừa với ngành buôn bán động vật hoang dã trị giá hàng tỷ đô la và cấm vĩnh viễn tất cả các chợ bán động vật hoang dã sống cũng như sử dụng động vật hoang dã làm thuốc.

Các nhóm này, bao gồm IFAW, Hiệp hội động vật học London và PETA cho biết lệnh cấm các chợ động vật hoang dã trên toàn cầu sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giải quyết “một trong những động lực chính của tuyệt chủng loài”.

“Hành động quyết định này, cũng nằm trong nhiệm vụ của WHO, sẽ bước đầu tác động đến việc áp dụng cách tiếp cận mang tính phòng ngừa cao độ với buôn bán động vật hoang dã vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe con người”, bức thư viết.

Chợ bán thịt tê tê và thịt rừng ở Gabon, tháng 3/2020. (Ảnh: Steeve Jordan/AFP/Getty Images)

Các tổ chức cho hay bệnh từ động vật (bao gồm Ebola, MERS, HIV, bệnh lao bò, bệnh dại và bệnh xoắn khuẩn vàng da…) khiến hơn 2 tỷ trường hợp mắc bệnh ở người và hơn 2 triệu ca tử vong mỗi năm.

Không như các nhóm bảo tồn, Mrema – quyền lãnh đạo Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học nhấn mạnh rằng hàng triệu người, đặc biệt là ở châu Phi phụ thuộc vào động vật hoang dã để làm thức ăn và cần có giải pháp thay thế cho chợ tươi sống.

Ngày càng có dấu hiệu cho thấy sự bối rối của các tổ chức toàn cầu trước sự xuất hiện của bệnh dịch lây từ động vật bị buôn bán, và CITES đã từ chối tham gia vào cuộc tranh luận mỗi lúc một gay gắt về nguồn gốc của Covid-19. Trong một tuyên bố ngắn gọn, tổ chức này cho biết: “Những vấn đề liên quan đến bệnh từ động vật không thuộc nhiệm vụ của CITES, Ban thư ký không có thẩm quyền đưa ra nhận định về những tin tức gần đây về mối liên hệ có thể có giữa việc con người tiêu thụ động vật hoang dã và Covid-19”.

Nhật Anh (Theo Guardian)