BVR&MT – Trong văn hóa ẩm thực mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những món ăn độc đáo, mang những nét rất riêng. Đối với dân tộc Tày, những món bánh của họ đã trở thành một đặc sản, ăn một lần là nhớ mãi. Bánh chuối là một món ăn như vậy, nó bình dị nhưng quyến rũ lạ lùng bởi mùi vị rất đặc trưng, riêng biệt.
Cũng giống như nhiều vùng dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, người Tày ở Văn Bàn – Lào Cai có một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, họ tận dụng những sản vật mà thiên nhiên, núi rừng ban tặng để chế biến thành những món bánh mộc mạc mà chứa đựng bao tình cảm nồng ấm.
Bánh chuối là loại bánh cúng lễ không thể thiếu trong mỗi dịp Tết nguyên tiêu, Tết đoan ngọ hay rằm tháng 7, được tạo nên từ những nguyên liệu hết sức bình dị, dễ làm mà ngon đến đặc biệt.
Để gói được một chiếc bánh chuối thơm lừng, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu vàng của bánh như miếng mật, người làm bánh cũng cần nhiều công phu, tỉ mỉ. Từ cách chọn gạo nếp cho tới nhân bánh đều phải chăm chút, cẩn trọng, nếu không bánh có thể bị nhão, không thơm.
Các nguyên liệu làm bánh phải được chuẩn bị từ nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trước. Cho ra lò món bánh chuối ngon đúng điệu, phải chọn những quả chuối đẹp, chín vàng đều, không dập nát, đem bóc vỏ rồi phơi nắng.
Khi chuối khô, đem gói kín trong lá chuối nỏ sau đó treo lên gác bếp. Bánh chuối rất kén gạo, không phải loại gạo nào cũng làm được bánh. Để cho bánh dẻo và thơm, phải chọn loại lúa nếp nương, hạt mẩy, nhặt hết hạt đen, hạt kẹ rồi đem ngâm trong nước 4-5 tiếng sau đó đem xay mịn.
Lá chuối gói bánh phải là lá bánh tẻ, được hái từ rừng về. Nhân làm từ đậu xanh hoặc lạc vừng đem đồ chín và cho thêm một chút đường phên để hương vị thêm đậm đà.
Chuối khô sau khi gác bếp được lấy xuống rửa sạch rồi cho vào nồi nấu. Sau đó, ta đem chuối đã nấu nhừ giã nhuyễn với bột gạo nếp đến khi sên lại tạo thành thứ hỗn hợp dẻo quánh màu vàng như mật thì bắt tay vào gói bánh.
Bột bánh sau khi đã giã nhuyễn đem chia nhỏ thành từng phần đều nhau để tiến hành gói nhân. Giai đoạn gói bánh thể hiện sự cẩn thận, tỉ mỉ cũng như tình cảm của người làm bánh.
Dưới bàn tay khéo léo người phụ nữ Tày, nhân bánh được đặt lên lá chuối khô, rồi nhẹ nhàng gói lại từng cặp, sau đó xếp vào chõ hấp. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải đảm bảo cả về hình thức và hương vị, bánh sau khi vớt ra phải có màu nâu nhạt, vị ngọt nhẹ của đường, mùi thơm thoang thoảng của lá chuối.
Thưởng thức bánh cũng không được quá vội mà cần đủ thời gian để cảm nhận. Cái hương vị chua chua, ngọt ngọt của chuối và đường, hòa quyện với cái béo ngậy, thanh mát của nhân đỗ xanh tạo nên một món ăn dân dã, giản dị mang hương sắc của mảnh đất và con người vùng cao Tây Bắc.
Bà Hoàng Thị Quản, thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung (Văn Bàn – Lào Cai) chia sẻ: Đây là sản phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng tổ tiên của người dân tộc Tày Văn Bàn mỗi dịp ngày rằm. Bánh ăn ngon, không ngấy lại để được lâu hơn những loại bánh khác, nên khách đến chơi chúng tôi vẫn thường biếu cặp bánh chuối về làm quà.
Nếm thử món bánh đặc trưng của nơi đây, cảm thấy trọn vẹn cái mộc mạc, bình dị của bà con đồng bào Tày, để rồi khi rời xa mới thấy quyến luyến, nhớ nhung và tự nhủ sẽ trở lại vùng đất này thêm một lần nữa để thưởng thức hương vị bánh chuối thơm nồng, quyến rũ của người dân Văn Bàn.
Những người phụ nữ Tày nơi đây không ai là không biết làm bánh chuối, vì vậy những cặp bánh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Món bánh chuối giờ đây đã trở thành nét ẩm thực đặc sắc của con người Tây Bắc, là món ăn không thể thiếu mà con cháu dâng cúng lên tổ tiên, ông bà để thể hiện sự kính trọng hiếu thảo, là món quà đầy giản dị nhưng gói trọn tình mến khách của người Tày ở Văn Bàn – Lào Cai.
Đình Tưởng – Hoàng Thu