BVR&MT – Những ngày cuối mùa vụ, bà còn vùng quê Nghệ An càng trở nên hối hả và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Một mùa múa mật mía kết thúc đọng lại là những giọt mật thơm ngon và những nụ cười hạnh phúc của người dân.
Làm mật mía mía đã trở thành một nghề truyền thống lâu đời của bà con vùng quê xứ Nghệ, đặc biệt ở làng Găng (Nghĩa Đàn), Tân Hương (Tân Kỳ), Sơn Cường (Thị xã Thái Hòa),…
Để cây mía trở thành những giọt mật thơm lừng, đặc quánh với màu vàng đặc trưng phải qua nhiều công đoạn. Đó không chỉ là việc lựa chọn giống mía khi trồng, quá trình chăm sóc để cây phát triển tốt mà trong khi nấu, người dân phải ép mía qua 4 lần lọc cặn rồi cho vào chảo đun sôi trên chiếc bếp liên hoàn.
Trước đây, người dân thường dùng sức kéo của trâu, bò để ép mía thì bây giờ những vất vả đó đã được thay thế bằng máy móc hiện đại, nhiều công đoạn thủ công đã được loại bỏ vì vậy chi phí và thời gian cũng được giảm đi phần nào.
Cây mía sau khi ép được bà con phơi khô để đun lò nấu mật, một số được bán cho những cơ sở làm hương trầm. Mỗi khi trời mưa, chạy bã mía cũng không khác gì chạy rơm mùa lúa.
Thường thì các gia đình trồng mía nấu mật ở các huyện đều xây dựng trong nhà một hệ thống lò nấu mật kiên cố từ 2 – 3 chảo, thậm chí 4 -5 chảo có 1 cửa đốt với nhiều ưu điểm phù hợp cho việc nấu mật. Kinh nghiệm của bà con là không ép mía 1 lần quá nhiều, chỉ ép nấu trong ngày vì để qua ngày khác nước mía sẽ lên men làm giảm chất lượng của mật. Kinh nghiệm của bà con là không ép mía 1 lần quá nhiều, chỉ ép nấu trong ngày vì để qua ngày khác nước mía sẽ lên men làm giảm chất lượng của mật.
Muốn mật ngon phải đứng “canh” các chảo mật lớn trong nhiều giờ để đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon, khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Để đổ mật vào trong phi được ngon, thì người nấu mật tiếp tục lọc qua lớp vải màn để mật có thể lọc sạch cặn, khi mật nguội thì sẽ có một lớp bọt đường lên trên sản phẩm mật mới hoàn thành.
Gia đình anh Bùi Văn Ngọc với hơn 30 năm trong nghề chia sẻ: “Mỗi năm chỉ một vụ, nay cũng ít người làm nhưng cái nghề của ông bà để lại mình cứ thế kế thừa và phát triển. Gía cả vẫn ổn, nhất là dịp tết và rằm. Đặc biệt với mật mía để lâu cũng không sao, không những thế còn tạo ra lớp đường phèn giá bán rất tốt”.Giá bán mật mía còn tùy thuộc vào từng thời điểm, trung bình mỗi thùng phi 200 lít sẽ bán giá khoảng 3 triệu đồng. Những dịp cao điểm như lễ Tết rằm tháng 7,8 giá sẽ dao động từ 4 cho tới 5 triệu đồng. Như gia đình của anh Bùi Văn Ngọc thu về hơn 200 triệu đồng trên một vụ, đem lại thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Hà Linh