BVR&MT – Nói đến Nghĩa Lộ là nói đến những nét độc đáo, riêng có của văn hóa bản địa. Nói đến văn hóa bản địa ở Nghĩa Lộ là nói đến văn hóa của người Thái.
Thị xã Nghĩa Lộ đã khôi phục, bảo tồn và phát huy mạnh mẽ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và “Hội Hạn Khuống” được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Nghĩa Lộ mà còn là niềm tự hào chung của người dân Yên Bái, của đồng bào Thái khắp nơi đồng thời là sự ghi nhận những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ bởi tình yêu quê hương, niềm trăn trở với một nền văn hóa đặc sắc, riêng có ở Mường Lò.
Xác định rõ giá trị của văn hóa trong phát triển du lịch, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu được Nghĩa Lộ đẩy mạnh. Giá trị của các di sản văn hóa được phát huy gắn với phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của thị xã.
Các lễ hội truyền thống được bảo tồn, khai thác và tổ chức đã thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tham gia như: Lễ hội rằm tháng Giêng tổ chức đồng loạt tại hầu hết các xã, phường, “Hội Hạn khuống”, tết Xíp xí (dịp Rằm tháng Bảy)…
Điểm nhấn trong hệ thống lễ hội ở Nghĩa Lộ là Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên và được đầu tư công phu về mọi mặt, nhất là trong việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và công tác xã hội hóa, vận động sự tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân một cách mạnh mẽ, sâu sắc đã tạo ra nét khác biệt.
Điều này khẳng định con người Nghĩa Lộ đã mang vẻ đẹp tinh thần từ trong quá trình lao động, sản xuất đến với hưởng thụ và nâng tầm những giá trị ấy trở thành những tinh hoa văn hóa.
Trước năm 2020, các điểm có hoạt động du lịch chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thị xã, các bản du lịch cộng đồng với tính chất tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khám phá bản làng.
Từ năm 2020, sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, Nghĩa Lộ có thêm các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, điểm ngắm cảnh tự nhiên như: vườn cây ăn trái, đồi hoa mùa xuân, đồi chè ở xã Nghĩa Lộ, Phù Nham, Thanh Lương; Di tích Khu ủy Tây Bắc ở xã Phù Nham, Di tích Nậm Tốc Tát ở xã Thạch Lương, Di tích thành Viềng Công ở xã Hạnh Sơn, chùa Trúc Lâm Thiên Phú ở xã Phù Nham đã góp phần làm giàu thêm tiềm năng du lịch, tạo sự phong phú cho các loại hình du lịch trong tương lai.
Liên kết phát triển du lịch, Nghĩa Lộ đã xây dựng và bước đầu hình thành các tour, tuyến du lịch trong thị xã và với các địa phương ở phía Tây của tỉnh, bước đầu hình thành và xây dựng trung tâm du lịch miền Tây Yên Bái với sự đa dạng trong sắc màu văn hóa, kết hợp với tiềm năng thiên nhiên độc đáo, tạo nên tiềm năng lớn trong việc hình thành những tuyến du lịch hấp dẫn.
Những kết quả đạt được về phát triển du lịch tuy còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng đã tạo ra tiền đề quan trọng để chính quyền, người dân Nghĩa Lộ kiên định với mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững.
Trong tương lai, nhiệm vụ trọng tâm của Nghĩa Lộ là phát triển du lịch cộng đồng hướng về người dân, tạo thế phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ bản sắc và môi trường sinh thái địa phương. Nghĩa Lộ xác định lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch và cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa thị xã với các địa phương làm du lịch khác.
Thời gian tới, việc thực hiện Đề án “Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 – 2025” sẽ tạo thêm nhiều cơ hội và nguồn lực để thị xã thực hiện được mục tiêu đề ra. Đồng thời, thị xã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ theo đúng lộ trình, góp phần xây dựng và phát triển thị xã xứng tầm là trung tâm văn hóa – thương mại – du lịch phía Tây của tỉnh.