Nghĩa Đàn (Nghệ An): Nắm bắt cơ hội từ giống ổi ngắn ngày

BVR&MT – Kể từ năm 2017, người dân nhiều xã của huyện miền núi Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) đã có những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây công nghiệp dài ngày sang các loại cây ngắn ngày mang lại những chuyển biến tích cực về kinh tế. Trong số đó, cây ổi là một trong những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao với thu nhập từ 250 – 350 triệu/năm cho người dân.

Huyện Nghĩa Đàn với điều kiện tự nhiên chủ yếu là đất đỏ, được biết đến là vùng đất của những loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, hồ tiêu,… Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, để thích ứng với điều kiện khí hậu người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng xen canh cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó ổi là loại cây được lựa chọn hàng đầu.

Mô hình trồng ổi của anh Nguyễn Tiến Đông ở xóm Phú Hồng (Nghĩa Hồng – Nghĩa Đàn – Nghệ An).

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, hiện trên địa bàn có gần 100 ha ổi, tập trung nhiều ở các xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn và Nghĩa Yên.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Đông ở xóm Phú Hồng (xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn) là một trong những mô hình đã làm giàu từ trồng cây ổi. Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, anh Đông phấn khởi cho biết: Gia đình tôi hiện có 02 ha diện tích trồng ổi với  tổng số lượng 1250 cây ổi và 850 cây cam trồng xen canh. Cây ổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Mỗi năm thu hoạch từ 7-8 đợt, ước đạt khoảng 10 đến 11 tấn ổi. Tùy vào giá, trung bình giá ổi rơi vào khoảng 25 đến 30 nghìn đồng/kg thì tổng doanh thu mỗi năm vào khoảng 150-250 triệu đồng. Đặc biệt dự tính năm nay riêng ổi có thể đạt doanh thu tới 350 triệu đồng”.

Người dân ở đây trồng xen canh giữa cây cam và cây ổi với mục đích “lấy ngắn nuôi dài”. Cam là loại cây dài ngày phải mất đến 3-4 năm mới có thể thu hoạch, trong khi đó ổi chỉ trong vòng 7-8 tháng. Không những thế, việc trồng cây ổi xen cam có tác dụng phòng chống bệnh rầy ở cây có múi. Đây được xem là đối tượng côn trùng gây hại nguy hiểm nhất trên cây có múi nói chung và cây cam sành nói riêng.

Anh Đông thông tin thêm: “Khi quả lớn bằng ngón chân cái sẽ được bọc bằng lớp bao xốp và một lớp bao ni lông bên ngoài cho đến khi thu hoạch để giảm thiểu tối đa các loại sâu phá hoại. Ngoài ra, vườn ổi của chúng tôi được chăm sóc, phòng bệnh rất đặc biệt, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được người dân trong và ngoài địa bàn tin dùng. Chỉ cần dùng tỏi, ớt, gừng đem đi xay nhỏ rồi ngâm với rượu trắng ủ trong vòng 10-15 ngày sẽ cho ra ngay thành phẩm thuốc trừ sâu thảo dược”.

Bên cạnh đó, thay vì sử dụng phương pháp nhỏ giọt chỉ ướt ở một vùng nhất định anh Đông đã sáng chế ra hệ thống tự tưới phun sương đã sử dụng được 03 năm và vẫn vận hành tốt. Đây là hệ thống có thể phân tán nước theo ý muốn, không bị dẹ đất làm rễ cây phát triển tốt.

Hiện tại, cây ổi đem lại lợi ích kinh tế cao cho người dân địa phương và cũng là mô hình nông nghiệp điển hình của vùng. Tuy nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp mang tính bền vững và xây dựng thương hiệu ổi cần sự định hướng hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương. Qua đó, người dân mong muốn được hỗ trợ xây dựng mô hình đồng bộ về giống, kỹ thuật chăm sóc ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, bảo quản, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững.

Phan Quỳnh