BVR&MT – Với tỷ lệ đồi núi chiếm ½ tổng diện tích tự nhiên, từ một miền quê có cuộc sống khó khăn, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) mạnh dạn trồng giống cây hồng không hạt. Đúng như mong đợi, giống cây ăn quả này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần đưa đời sống bà con mảnh đất bán sơn địa này ngày một khởi sắc.
Từ nhiều năm nay, hồng được xem là loại cây ăn quả chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho các xã ven núi Đại Huệ (Nam Đàn), trong đó xã Nam Anh có diện tích trồng nhiều nhất huyện với hơn 100 ha.
Những quả hồng không hạt còn tươi rói, vàng ươm, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất bảo quản là đặc sản của địa phương này. Hồng tại xã Nam Anh năm nay được mùa, người dân đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch.
Với diện tích hơn 1 ha đất vườn đồi, Bà Nguyễn Thị Mão ở xóm 9, xã Nam Anh đã bố trí trồng hơn 80 gốc hồng. Bà Mão cho biết, trước đây gia đình bà chỉ trồng một ít gốc hồng, sau khi thu hoạch thấy hiệu quả kinh tế khá cao nên tiếp tục chiết ghép cành trồng hết diện tích đất vườn. Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay tỷ lệ đậu quả cao nên hồng được mùa, được giá, gia đình tôi thu hoạch khoảng 7-8 tấn, giá bán tại vườn cho thương lái là 17.000 – 25.000 đồng/kg.
“Vùng đất đồi ở xã Nam Anh chúng tôi rất thấy thích hợp với giống cây hồng. So với trồng cây lâm nghiêp thì cây Hồng mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Năm nay sản lượng và giá bán đều được hơn so với năm trước nên được các tư thương đến tận nhà thu mua. Một vụ hồng cũng có thu nhập từ 80 – 90 triệu” – Bà Mão cho biết.
Ông Lê Trọng Mạnh (xóm 8, Nam Anh) cho biết: “Hồng bản địa có 2 loại, hồng trứng và hồng cậy (đều không hạt). Đây là loại cây cho giá trị kinh tế cao bởi loại cây hồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng ven núi Đại Huệ. Hồng cũng được trồng khá đơn giản vì chỉ cần sau khi thu hoạch làm cỏ, xới đất quanh gốc và bón phân 1 đến 2 lần, đến mùa lại cho quả”.
Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên cây hồng cho quả sai, được tư thương đến tận vườn thu mua với giá ổn định, hồng cậy từ 14.000 -17.000 đồng/kg, hồng trứng 20.000 – 25.000 đồng/kg; Với sản lượng thu hoạch ước đạt 300 – 500 tấn quả, mùa hồng năm nay, bà con Nam Anh có nguồn thu từ 5 – 7 tỷ đồng, đây là con số có ý nghĩa đối với vùng đất đồi này.
Không chỉ đầu tư trồng hồng có hiệu quả, ở xã Nam Anh, bà con đã gắn kết chia sẻ nhau trong việc trao đổi các kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ thế hồng Nam Anh nói riêng, vùng đồi núi Đại Huệ nói chung nổi tiếng là thơm ngon, ngọt đậm, được thị trường ưa chuộng và trở thành cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao, dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong cả nước.
Hồng không hạt ở xã Nam Anh là loại cây bản địa, có nguồn gốc gen quý hiếm, được trồng ở vùng đất đặc thù về địa lý, sinh thái, tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cộng với kinh nghiệm chăm sóc, phân bón của người dân làm cho cây hồng không hạt đạt chất lượng.
Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân phát triển thành cây trồng chủ lực. Chính sách cụ thể để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, tăng cường quảng bá nông sản này, để người tiêu dùng khắp cả nước biết đến. Qua đó, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Ông Hồ Viết Sỹ – Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết, trong những năm qua, phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn Nam Anh phát triển tương đối mạnh. Người dân biết lựa chọn các loại cây hồng có giá trị kinh tế cao.
“Hiện nay trên toàn xã có hơn 100 ha trồng hồng không hạt, diện tích được phân bố đều cho các hộ gia đình. Cây hồng không hạt Nam Anh có vị ngọt dịu, thơm, giòn mà ở các vùng trồng hồng khác trên địa bàn Nghệ An không có được. Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung trên vùng đồi xã Nam Anh đã phần nào khẳng định hướng đi đúng của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần cho quê hương ngày một khởi sắc”, ông Sỹ phấn khởi cho biết thêm.
Đình Nguyên