BVR&MT – Trải qua bao thăng trầm cùng với sự miệt mài ngày đêm “thắp lửa” làm đèn trung thu mỗi dịp rằm tháng 8, bà Nguyễn Thị Tuyến là nghệ nhân duy nhất tại làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) còn gìn giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống bằng chính đôi tay khéo léo và niềm yêu nghề được truyền lại từ đời cha ông.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Tây, đến làng Hậu Ái vào dịp cận Tết Trung thu, nơi được coi là thủ phủ sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống nổi tiếng thì nay đã không còn sự nhộn nhịp, tất bật như trước đây. Theo thời gian, làng nghề đến nay đã dần mai một, chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến là người cuối cùng còn gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian qua những món đồ chơi truyền thống đèn ông sao, lồng đèn luôn mang giá trị tinh thần to lớn mà những loại đồ chơi trung thu khác không có được.
Dịp cận tết trung thu, trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến lại tất bật miệt mài đan lát món đồ chơi như: đèn ông sao, đèn con cá, ông tiến sĩ giấy và nhiều đồ chơi Trung thu truyền thống khác để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Mỗi sản phẩm từ đèn ông sao, đèn con cá, con tôm đến ông tiến sĩ giấy đều yêu cầu những người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ, chau chuốt và sự khéo léo. Bởi lẽ, mỗi công đoạn đều được làm hoàn toàn bằng đôi bàn tay của những người nghệ nhân mà không hề có sự can thiệp của máy móc hay công nghệ.
Được biết, gia đình bà là đời thứ ba được cha ông truyền lại nghề, dù đã ngoài 50 tuổi nhưng bà Tuyến vẫn không kể ngày đêm ngồi tỉ mẩn từng lát đan, đôi bàn tay thoăn thoát tạo hình từ các nan tre một cách thuần thục, khéo léo.
Bà Tuyến cho biết, từ khoảng tháng 5 vợ chồng bà đã phải tìm mua và chọn lọc nguyên liệu, những nguyên liệu chính để tạo ra món đồ chơi chủ yếu từ nứa và giấy màu. Nguyên liệu phải được chọn lựa kĩ càng từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường vì các món đồ chơi tạo ra đều chủ yếu phục vụ cho các em nhỏ.
Để làm hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Từ làm khung, cắt giấy, dán trang trí, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công mà không thông qua máy móc. Mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ, cẩn thận tới từng chi tiết. Làm đồ chơi trung thu không hề đơn giản đặc biệt là làm bằng thủ công vì khó tránh khỏi nứa làm đứt tay nếu không cẩn thận.
Dù công việc vất vả là thế nhưng đối với nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, bà vẫn chia sẻ bằng chính niềm đam mê, yêu nghề. Cứ mỗi dịp trung thu đến mà không làm đồ chơi cho các cháu nhỏ bà lại cảm thấy thiếu đi không khí Tết trung thu. Cầm trên tay món đồ chơi cũng như được góp thêm món quà tinh thần cho Tết trung thu của các em nhỏ thêm trọn vẹn.
Món đồ chơi trung thu đều là những sản phẩm thủ công nên cần mất nhiều thời gian và công sức để tạo ra thành phẩm. Vất vả là thế nhưng giá của các món đồ chơi bán ra lại rất thấp. Giá của mỗi món đồ chơi dao động từ 30.000 – 60.000 đồng tuỳ sản phẩm. Giá đèn ông sao là 40.000 đồng/chiếc, đèn con cá, đèn con tôm có giá từ 30.000 – 35.000 đồng/chiếc, 1 bộ ông tiến sĩ giấy gồm 1 tướng và 2 quân, giá bộ to là 60.000 đồng và bộ nhỏ là 50.000 đồng/bộ. Mỗi vụ gia đình bà tiêu thụ ra thị trường hàng nghìn món đồ chơi trung thu.
Mặc dù là món đồ chơi dân gian truyền thống của Việt Nam thế nhưng món đồ chơi ấy đang dần bị mai một bởi sự du nhập của các món đồ chơi Trung Quốc mẫu mã đẹp và giá thành rẻ nên đồ thuần Việt đang dần mất đi chỗ đứng trong thị trường. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của bà Tuyến khi nhắc đến nghề truyền thống của làng Hậu Ái.
Là người cuối cùng gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thay đổi mẫu mã, màu sắc để tạo ra các sản phẩm đẹp mắt, phù hợp với xu hướng mới và thị trường để thu hút người mua. Bằng cả niềm say mê với nghề truyền thống, bà vẫn ngày đêm miệt mài “thắp sáng” những chiếc đèn Trung thu với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian trong lòng người Việt.
Đào Thúy