BVR&MT – Trong những năm vừa qua, cam xã Đoài lòng vàng được mệnh danh là loại “quả tiến vua” của mảnh đất xứ Nghệ. Không chỉ trở thành một thứ đặc sản vùng miền nó còn là loại quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Tuy nhiên 1-2 năm trở lại đây, giống cây này đã khiến cho không ít bà con phải “khóc ròng”
Loại quả mang hiệu quả kinh tế cao
Ở Nghệ An một số vùng trồng giống cam xã Đoài lòng vàng nhiều đáng kể đến như: Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Qùy Hợp,… Khoảng từ năm 2016 đến nay, cam xã Đoài lòng vàng được ví là loại cam dành cho “nhà giàu”. Bởi cam này không bán theo cân mà chỉ bán tính tiền theo từng quả, giá có lúc lên tới 100.000 đồng/quả “vừa tranh, vừa cướp” vẫn không mua được hàng. Gần Tết, loại cam dành cho “nhà giàu” trồng tại Nghi Lộc lại lên cơn sốt. Thậm chí, giá trị của loại cam này còn đắt gấp 15 lần cam thường. Ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Quyết Thắng, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) cho biết, năm 2021, gia đình có hơn 70 gốc cam Xã Đoài đang ở thời kỳ cho quả nhiều nhất. ”Dù có đợt mưa lũ khiến 40% quả bị rụng nhưng sản lượng quả tại vườn còn hơn 8.000 quả. Cam bán tại vườn khoảng 70.000 – 80.000 đồng/quả, có nhiều thương lái và người mua làm quà đã đặt nhưng không ai dám nhận vì sợ không đủ hàng cung ứng”, ông Thọ nói. Cam Xã Đoài có vị ngọt và mùi thơm. Vỏ cam Xã Đoài có màu vàng sậm, có quả hơi phơn phớt đỏ. Khi cắt ra, tép cam có màu vàng óng, nước chảy ra như mật ong, ngọt thanh mà không chua nên nhiều người ưa chuộng”, ông Cường (thôn Quyết Thắng, xã Nghi Diên) cho biết.
Loại cây này cũng trở thành giống cây chủ lực cho một số hộ dân ở xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn). Gia đình anh Nguyễn Khắc Tuyến trồng 700 gốc tổng diện tích hơn 2ha. Với năm được mùa thu hoạch được hơn 40 tấn, tính trung bình bán từ 25-30 nghìn đồng/kg (tùy vào mẫu mã). Trừ đi chi phí thu về ngót nghét cả trăm triệu/ năm.
Vườn cam nhà ông Nguyễn Công Biên, xóm Minh Thọ – xã Minh Hợp – huyện Quỳ Hợp đang vào dịp thu hoạch. Bắt đầu trồng từ năm 2015 với diện tích 01ha trồng 500 gốc, tùy vào sản lượng và chất lượng mỗi năm, trung bình mỗi mùa thu hoạch 20 đến hơn 30 tấn, thu về 400 đến 500 triệu/ha.
Tuy nhiên, gần hai năm nay một phần chịu ảnh hưởng của dịch và một phần vì giống đất, giống cây, cam xã Đoài lòng vàng dần bị thu hẹp diện tích và sắp bị “xóa sổ” tại một số vùng. Dần mất đi vị thế và diện tích 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho sản lượng bán của loại quả này cũng bị ảnh hưởng ở một số địa phương.
Xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) có hơn 160 ha đất trồng cây có múi; trong đó có 60ha cam. Theo khảo sát của xã, do ảnh của dịch Covid-19, nhiều hộ trồng cam ở Nghĩa Hồng lo lắng tìm đầu ra cho nông sản dù mới trong giai đoạn đầu mùa. “Thực tế hiện nay đầu ra của cây cam rất khó. Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, Ban Nông nghiệp xã đã đứng ra tuyên truyền, liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân nhưng chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Bà con vẫn đang tự bán lẻ cam với giá bấp bênh từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Một số tư thương vào tận vườn đặt mua nhưng ép giá quá thấp”– ông Nguyễn Văn Thuyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết.
Năm nay, dù đang vào mùa, tuy nhiên, chỉ có lác đác vài nhà buôn về vườn thu hái. Gia đình anh Tuyến, từ 700 gốc năm 2017, mùa trọng điểm thu tới 40 tấn, năm 2021 cũng được khoảng 15 tấn thế nhưng năm nay chỉ còn hơn 100 gốc cam dự tín chỉ được 3 – 4 tấn cam trong mùa này. Chị Hằng (vợ anh Tuyến) chia sẻ: “Năm nay sản lượng giảm nhiều so với năm trước, đang vào mùa nhưng chẳng thu được bao nhiêu. Cứ qua mỗi năm, cây cứ chết, sản lượng giảm dần”. Chị Cao Thị Hạnh thường xuyên đến vườn để thu mua cam cũng cho biết: “Có một số nhà vẫn đang trồng nhưng mẫu mã không đẹp. Nhà vườn trồng cam cũng ít dần đi, trong xã chỉ có lác đác vài nhà còn duy trì”.
Chỉ từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, diện tích cam bị chặt do cây cam sinh trưởng, phát triển kém đã lên đến trên 1.340 ha. Qua kiểm tra, đánh giá của ngành nông nghiệp, trên các vùng cam kinh doanh tại Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông…, có đến trên 80% diện tích cam kinh doanh và trên 50% diện tích cam kiến thiết cơ bản có biểu hiện suy thoái, chất lượng cam quả suy giảm. Trong đó hơn 6% diện tích thời kỳ kiến thiết có nguy cơ phá bỏ trước khi vào kinh doanh; 15,8% cam kinh doanh phát triển có nguy cơ bị chặt bỏ trong 1 – 2 năm tới.
Ông Nguyễn Nam Thuyên – Giám đốc Công ty CP Nông – Công nghiệp 3/2 chia sẻ, chi phí bỏ ra cho 1ha cam trong 3 năm qua hơn 150 triệu đồng, mặc dù trước khi tiến hành trồng, đơn vị cũng đã lựa chọn cây giống một cách kỹ càng, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách chặt chẽ, nhưng vẫn không hiểu sao cây cam không phát triển mà cứ còi cọc và vàng lá. Với tình trạng này thì nguy cơ sẽ mất trắng gần 2 tỷ đồng.
Theo thống kê, tại huyện Quỳ Hợp diện tích trồng cam chủ yếu tập trung tại 5 xã, gồm: Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn. Nếu từ trước năm 2018 diện tích cam toàn huyện đạt hơn 2.500 ha thì đến nay chỉ còn lại khoảng 1.600 ha, do nhiều diện tích cam bị thoái hóa, sâu bệnh… nên đã bị người dân phá bỏ để trồng cây khác
Ông Nguyễn Duy Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cây cam bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp. Trong đó chủ yếu là do đất bị nhiễm bệnh, bị ảnh hưởng bởi thời tiết, các loại nhện đỏ, ruồi vàng, thậm chí là do người dân mua phải giống kém chất lượng”.
Ông Hưng cũng cho biết thêm rằng, trước thực trạng nhiều diện tích cam trên địa bàn bị thoái hóa, huyện cũng đã nhiều lần lấy mẫu đất, mẫu cây cam đi làm xét nghiệm, thậm chí mời chuyên gia về kiểm tra, tuy nhiên không thể xử lý xuể vì diện tích rộng. Một số chuyên gia cũng khuyên phải cải tạo đất, bằng cách luân canh cây trồng.
Tình trạng mất dần giống cam này khiến người dân Phủ Qùy nhớ lại về cây cà phê, từng được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê Phủ Qùy” nhưng nay gần như không còn loại cây này, có chăng cũng chỉ rất ít. Điều này phần này cũng khiến người dân trồng cam trở nên chán nản. Kinh phí để cải tạo đất, giống, áp dụng khoa học kỹ thuật cao cũng là bài toán đau đầu cho người dân nên dần dà đa số lựa chọn bỏ trồng cây khác. Trước tình trạng nhiều diện tích cam bị thoái hóa có nguy cơ phải chặt bỏ, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, đồng thời tăng giá trị của cây cam trên địa bàn, nhiều đơn vị đang xây dựng đề án thí điểm cải tạo, phục hồi một số vườn cam trên địa bàn. Nếu thành công thì sẽ hướng dẫn người dân áp dụng trên diện rộng.
Hà Linh