BVR&MT – Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An phối hợp cùng các cơ quan đơn vị trong tỉnh tổ chức Sự kiện khởi động chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên”.
Sự kiện đã diễn ra với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng gần 50 đại biểu, khách mời là lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, và đại diện của các cơ quan: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An; Phòng Cảnh sát môi trường; Sở Thông tin truyền thông; Cục Quản lý thị trường; Cục Hải quan; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh; UBND thành phố Vinh; UBND ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, và Quỳnh Lưu; Vườn Quốc gia Pù Mát; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; các Hạt Kiểm lâm và Đội cơ động PCCCR.
Chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên” là một chủ trương quan trọng và mang tính chiến lược của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Kế hoạch số 504/KH-UBND ngày 08/9/2020 của UBND tỉnh Nghệ An và Kế hoạch số 3063/KH-SNN.KL ngày 23/8/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tuyên truyền không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, quảng cáo, tiêu thụ, tàng trữ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An khẳng định: “Chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên” là một hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm thay đổi về nhận thức, tư duy và thói quen sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên của toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh”. Thông qua triển khai chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, toàn thể nhân dân.
Theo ông Lê Văn Tâm – Trưởng phòng Tuyên truyền – Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An: “Bảo vệ động vật hoang dã là trách nhiệm của mỗi người dân. Để mỗi cá nhân đều hiểu và hành động đúng đắn nhằm góp phần giữ gìn và phục hồi đa dạng sinh học của đất nước thì công tác tuyên truyền cần thiết phải được đẩy mạnh. Trong đó chú trọng tuyên truyền thông qua các kênh thông tin gần gũi và dễ dàng tiếp cận như qua tivi, mạng xã hội, pano và áp phích… Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên” để lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp bảo tồn đến với từng cán bộ và người dân. Bên cạnh đó, cần sự chủ động tham gia hưởng ứng tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân để tạo ra xu hướng Từ chối sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Tại sự kiện, 50 đại biểu được quán triệt tinh thần và nhất trí với nội dung, kế hoạch thực hiện chuỗi chương trình và hưởng ứng chuỗi hoạt động từ chối các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.
Thông tin thêm về chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên”: Chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên” diễn ra từ tháng 11 năm 2021 đến hết tháng 12 năm 2022. Với chín hoạt động chính, chuỗi Chương trình hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, và người dân trên địa bàn Thành phố Vinh và ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, và Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nội dung thực hiện 9 hoạt động cụ thể như sau: (1) Nghiên cứu xã hội ban đầu với tối thiểu 400 người tại Thành phố Vinh (2) Tổ chức Hội thảo Thực thi pháp luật về Tăng cường hợp tác liên ngành về bảo vệ động vật hoang dã; ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng (3) Lễ phát động chiến dịch “Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” (4) Lắp đặt áp phích vận động tại các trụ sở làm việc, khu vực công cộng, trụ sở các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Vinh (5) Lắp đặt pa nô tuyên truyền khổ lớn với nội dung “Không sử dụng, tiêu thụ, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo sản phẩm động vật hoang dã” tại các vị trí trung tâm, trục đường chính, khu vực tập trung đông người trong địa bàn TP Vinh (6) Tổ chức hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức: Sơn tường nghệ thuật về bảo vệ động vật hoang dã tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn TP Vinh (7) Khảo sát đánh giá kết thúc chuỗi hoạt động (8) Hội thảo đánh giá: đánh giá, thảo luận, ban hành các văn bản chính thức để can thiệp sâu hơn – mở rộng ra quy mô cấp tỉnh (9) Truyền thông qua các bộ phim tuyên truyền ngắn, các bài phát thanh, các kênh truyền hình, các cơ quan báo chí, loa đài địa phương. |
Hậu Thạch