BVR&MT – Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới trong tương lai. Theo đó, chủ đề Ngày Trái đất 22/4/2020 được Liên Hợp Quốc được lựa chọn là “Hành động vì khí hậu”.
Ngày Trái Đất 22/4 được Liên Hợp Quốc công nhận từ năm 2009, trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức, nhìn nhận về giá trị môi trường tự nhiên của Trái đất, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để chung tay bảo vệ hành tinh.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, vào cuối năm 2020 này, nhiều quốc gia dự kiến sẽ phải thúc đẩy các hoạt động nhằm thực hiện các cam kết quốc gia đã ký kết trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Do vậy, ngay từ bây giờ cần kêu gọi mọi người dân trên toàn thế giới cùng nhau thực hiện những hành động sáng tạo, đổi mới để giải quyết vấn đề về khí hậu trong tương lai.
Sự kiện Ngày Trái đất đầu tiên được tổ chức vào năm 1970 đã thu hút hàng triệu người dân Mỹ tham gia hưởng ứng, nhận thức về việc bảo vệ hành tinh Trái đất. Vào ngày 22 tháng 4 năm 1970, khoảng 20 triệu người Mỹ (chiếm khoảng 10% dân số Mỹ vào thời điểm đó) đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố, cùng với các hoạt động của sinh viên được tổ chức tại khuôn viên các trường đại học để phản đối sự thiếu hiểu biết, nhận thức về môi trường và đòi hỏi một hướng đi mới để bảo vệ hành tinh. Do đó, Ngày Trái đất đầu tiên được ghi nhận là sự kiện khởi động thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường và hiện được công nhận là sự kiện dân sự lớn nhất hành tinh.
Sự kiện Ngày Trái đất cũng đã dẫn đến việc thông qua các luật về môi trường mang tính bước ngoặt tại Mỹ, bao gồm Đạo luật về Không khí sạch, Nước sạch và Đạo luật bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Tiếp sau đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã hưởng ứng và sớm thông qua các đạo luật tương tự. Năm 2016, Liên Hợp Quốc đã chọn Ngày Trái đất là ngày để Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (Paris Agreement under the United Nations Framework Convention on Climate Change) chính thức có hiệu lực.
Bà Kathleen Rogers – Chủ tịch Mạng lưới Ngày Trái đất cũng cho biết: Tiến độ hành động của chương trình Ngày Trái đất đã chậm lại, trong khi các tác động của biến đổi khí hậu gia tăng. Trong khi đó, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi một phản ứng toàn cầu thống nhất.
Theo đó, sự kiện Ngày Trái đất 2020 hướng tới xây dựng một thế hệ các nhà hoạt động vì môi trường mới, thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới cùng thực hiện các hành động vì môi trường, vì Trái đất.
Có rất nhiều cách để bạn có thể làm giúp bảo vệ và khôi phục hành tinh của chúng ta, từ tham gia dọn dẹp hoặc tham gia các chiến dịch vì khí hậu, tham gia thực hiện các sáng kiến khoa học hay tổ chức một sự kiện trong cộng đồng của mình để bảo vệ Trái đất là những hành động thiết thực cần thực hiện ngay bây giờ.
“Thế giới cần bạn và những hành động của bạn” là thông điệp chính của Ngày Trái đất năm 2020 gửi đến toàn thế giới.
Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC, mục tiêu lý tưởng của Thỏa thuận Paris về sự biến đổi khí hậu, lượng khí thải nhà kính phải giảm 7,6%/năm, từ năm 2020 tới năm 2030, theo báo cáo thường niên của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP). Thế giới cần giảm tổng cộng 55% lượng khí thải nhà kính từ năm 2018 đến năm 2030.
Bất kỳ sự chậm trễ nào, chẳng hạn đến sau năm 2020 mới hành động, sẽ khiến mục tiêu 1,5oC tan thành mây khói. Thậm chí để hạn chế sự nóng lên ở mức 2oC, lượng khí thải cần giảm 2,7%/năm từ năm 2020 đến năm 2030. Song, những lượng khí phát thải, đặc biệt là từ nhiên liệu hóa thạch, đã tăng 1,5%/năm trong 10 năm qua và không có dấu hiệu sẽ giảm trong những năm tới, UNEP nhấn mạnh, đồng thời cho biết, mức phát thải khí CO2 trong năm 2018 đã đạt mức kỷ lục với 55,3 gigaton.
Nhiệt độ trái đất đã tăng khoảng 1oC kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, gây ra nhiều thảm họa về môi trường, khí hậu. Mỗi nửa độ tăng thêm sẽ làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo UNEP, nếu lượng khí phát thải tiếp tục ở mức hiện tại, trái đất có thể nóng lên từ 3,4-3,9oC vào cuối thế kỷ XXI. Ngay cả khi các quốc gia ký kết Thỏa thuận Paris tôn trọng các cam kết của họ, nhiệt độ trái đất vẫn sẽ tăng thêm 3,2oC. Mặc dù vậy, Liên Hiệp Quốc cho rằng, mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng dưới 2oC, thậm chí dưới 1,5oC vẫn có thể đạt được.
Để làm được điều đó, các nước ký kết Thỏa thuận Paris phải tăng gấp 3 lần cố gắng để đạt được mục tiêu đầu tiên và 5 lần cố gắng cho mục tiêu thứ hai. Những cam kết phải được thực hiện bằng hành động ngay lập tức. 10 năm chần chừ không hành động để chống biến đổi khí hậu sẽ đưa chúng ta đến con đường diệt vong, Giám đốc UNEP Inger Andersen nói với AFP.
Hoàng Tôn (tổng hợp)