BVR&MT – Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, ngày 10/11 biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, trong phiên họp buổi chiều ngày 9/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật) bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả như sau: Có 440 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,35% tổng số ĐBQH), trong đó có 432 đại biểu tán thành (bằng 86,75% tổng số ĐBQH); có 7 đại biểu không tán thành (bằng 1,41% tồng số ĐBQH); có một đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả như sau: Có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,76% tổng số ĐBQH), trong đó có 444 đại biểu tán thành (bằng 89,16% tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tồng số đại biểu Quốc hội); có một đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Tại phiên thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu.
Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Luật; đối tượng áp dụng; cơ sở pháp lý; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; lực lượng phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; các hành vi bị nghiêm cấm; đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện; bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố; Quỹ phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; các biện pháp khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh gây ra; tên gọi của các cơ quan phòng thủ dân sự; các dạng thảm họa, sự cố; xây dựng Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; phân công, phân cấp trách nhiệm phòng thủ dân sự; đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; nhiệm vụ của lực lượng quân đội trong phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự các cấp độ; xử lý vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; bãi bỏ, sửa đổi một số điều của các luật có liên quan đến phòng thủ dân sự; nguồn lực bảo đảm thi hành Luật.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.