BVR&MT – Sau khi lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD năm qua, bước vào mùa vụ năm 2023, ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc duy trì phong độ nuôi trồng và xuất khẩu vốn có. Muốn vậy, chúng ta phải có những chiến lược và cách thức thích hợp để phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị bền vững…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747 nghìn héc-ta, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 610 nghìn héc-ta, tôm thẻ chân trắng 117,306 nghìn héc-ta, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 1.080,6 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021; trong đó sản lượng tôm sú đạt 271,4 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 743,5 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 cũng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Tuy nhiên nhìn chung, trong quá trình phát triển, ngành tôm nước ta vẫn đang gặp một số khó khăn: Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng hơn 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện; giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu, sản phẩm thủy sản tăng cao…
Ngoài ra, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp; công tác đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp; các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ… còn thấp.
Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích 750 nghìn héc-ta, sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản đã đưa ra tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017, nhất là quan tâm chỉ đạo đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Tổ chức triển khai quyết liệt các nội dung đã được sửa đổi khi Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP được ban hành.
Thứ hai, triển khai hiệu quả Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) đến năm 2030; kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.
Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Thứ bảy, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc giữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Cuối cùng, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.
Tại “Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023” tại tỉnh Sóc Trăng vừa qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu một số nhiệm vụ cụ thể sau: Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng.
Chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Mặt khác, các địa phương tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tôm, bảo đảm chuỗi sản xuất tôm liên hoàn; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không bảo đảm chất lượng tới người tiêu dùng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y…
Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa, nhân rộng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…