BVR&MT – Là một trong những ngành có vai trò, vị trí như trụ đỡ của nền kinh tế, trong năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp cũng đứng trước nhiều thách thức cần chủ động ứng phó.
Trong năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018 (3,9%), qua đó khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần phải ứng phó, xử lý, trong đó có 3 thách thức lớn nổi lên.
Trước hết là tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khu vực nông nghiệp và người nông dân là những đối tượng tổn thương đầu tiên từ những thách thức này, một nguy cơ mà xu hướng trong những năm gần đây càng ngày càng cực đoan. Thứ hai là chuỗi liên kết giá trị nông sản trong sản xuất còn lỏng, quy mô còn nhỏ lẻ dẫn đến sức cạnh tranh, năng suất, hiệu quả kinh tế còn thấp. Thứ ba là những biến động của thị trường xuất khẩu, dẫn đến những rủi ro về mặt thị trường.
Để ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế,… tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đi liền với đó là sẽ đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường nguồn lực đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.