Ngành gỗ Việt Nam sụt giảm do Covid-19

BVR&MT – Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 tỷ đô la các sản phẩm gỗ sang Trung Quốc vào năm 2019 nhưng thương mại gỗ phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng do sự bùng phát của dịch virus corona.

Các súc gỗ lớn nhập từ châu Phi nằm ở lề đường tại làng nghề Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Michael Tatarski/Mongabay)

Mặc dù số người mắc bệnh ở Việt Nam tương đối ít – chỉ 16 ca trong tổng dân số 96 triệu người được xác nhận bị nhiễm và toàn bộ đã hồi phục – nhưng ảnh hưởng kinh tế lại khá rộng và vẫn đang ngày càng sâu rộng với nhiều ngành.

Theo Reuters, ngành du lịch có thể thiệt hại hơn 7 tỷ USD vì Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam và lượng khách đến giảm 100% trong bối cảnh tất cả các chuyến bay giữa hai nước tạm dừng. Du khách từ nước khác không tới Việt Nam vì lo ngại địa lý ngay sát Trung Quốc.

Ngành gỗ Việt Nam mặc dù không rõ rệt như du lịch cũng đang bị ảnh hưởng. Theo chuyên gia Tô Xuân Phúc thuộc Tổ chức Forest Trends, năm 2019 Việt Nam đã xuất khẩu lượng sản phẩm gỗ trị giá 972,2 triệu USD sang Trung Quốc và ở chiều ngược lại nhập khẩu trị giá 395,5 triệu USD từ quốc gia này. Đây là số liệu được tổng hợp từ dữ liệu của Hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ riêng ngành gỗ mà thương mại xuyên biên giới trong tất cả các lĩnh vực, sản phẩm đều bị ách tắc nghiêm trọng do COVID-19. Đơn cử như nhiều trang trại Việt Nam trồng thanh long và dưa hấu để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng xe chở hàng bị kẹt ở biên giới trong nhiều tuần, do đó, các chủ hàng phải quay đầu và bán với giá rẻ mạt. Một tiệm bánh trong thành phố đã sáng tạo ra sản phẩm bánh mỳ thanh long từ nguồn thanh long dư thừa này.

Tuy nhiên, chuyên gia Tô Xuân Phúc cho biết sản phẩm gỗ không dành cho người tiêu dùng bình dân nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

“Tác động lớn nhất đối với ngành này là sự gián đoạn thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dăm gỗ là sản phẩm quan trọng nhất Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, bây giờ các công ty sản xuất giấy và bột giấy ở Trung Quốc không hoạt động hoặc không hoạt động hết công suất nên tình hình nhập khẩu cũng giảm tốc theo”.

Chưa có số liệu chính xác về số lượng giao dịch giảm bao nhiêu. Hiện các sản phẩm đi theo hướng khác cũng đang chậm lại.

“Gỗ ép là sản phẩm quan trọng nhất được xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam. COVID-19 khiến thương mại mặt hàng này gián đoạn và nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong vòng vài tháng, các công ty ở Việt Nam nhập khẩu gỗ ép từ Trung Quốc sẽ hết nguyên liệu”.

Trung Quốc cũng cung cấp các phụ kiện như khóa và bản lề cho ngành công nghiệp đồ nội thất khổng lồ của Việt Nam cũng như các vật liệu như sơn và sản phẩm kim loại. Việc sản xuất và vận chuyển những hàng hóa này cũng đang bấp bênh.

Việt Nam là nước sản xuất đồ gỗ truyền thống quan trọng cho thị trường Trung Quốc. Nhiều sản phẩm kiểu này được sản xuất tại một vài thị trấn gần Hà Nội, nơi các quy định về nguồn gốc gỗ không được chú trọng lắm. Miền Nam Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng về đồ nội thất xuất sang thị trường Hoa Kỳ và sử dụng gỗ của nước này nhưng các bộ phận kim loại và nhiều vật liệu khác phục vụ quá trình sản xuất cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài nguyên vật liệu, các công ty hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Theo số liệu của Forest Trends, tính đến năm ngoái có 184 công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đăng ký hoạt động trong ngành gỗ Việt Nam, 93 công ty trong số này xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Một xưởng đồ gỗ ở Đồng Kỵ. (Ảnh: Michael Tatarski/Mongabay).

Công nhân người Trung Quốc hiện không thể quay lại Việt Nam nếu họ về quê vào dịp Tết Nguyên đán trong khi những người ở lại Việt Nam bị cách ly 14 ngày theo lệnh của chính phủ.

Do những khó khăn này, xuất khẩu tổng thể của Việt Nam trong quý đầu năm nay có thể giảm tới 20%, theo Báo cáo thị trường gỗ nhiệt đới tháng 2 của Tổ chức gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO). Chỉ riêng các ngành nông – lâm – thủy sản có thể thiệt hại tới 300 triệu USD trị giá xuất khẩu, con số này có thể tăng hơn gấp đôi nếu dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng trong quý hai.

Báo cáo của ITTO cũng cho biết một số sự kiện cao cấp của ngành gỗ như VIFA Expo, VIFA GU và Hanoi Wood 2020, đã bị hoãn lại do những lo ngại về COVID-19, nhưng điều đó dường như không đúng.

Theo thông báo chính thức trên trang web Hội chợ nội thất & phụ kiện quốc tế VIFA Expo, sự kiện này vẫn sẽ được tổ chức như dự kiến từ ngày 11-14/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyên gia Tô Xuân Phúc cho biết Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ chủ trì một hội thảo quốc gia về ngành gỗ trong hội chợ này dù còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.

VIFA GU, một hội chợ đồ nội thất và phụ kiện gia đình khác dự kiến vẫn được tổ chức theo kế hoạch từ ngày 14-17/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong khi Hanoi Wood 2020 được tổ chức từ 30/7 đến tháng 1/8 tại Hà Nội. Tuy nhiên, các nhà tổ chức sự kiện đều từ chối phúc đáp về tính chắc chắn của sự kiện.

Nhật Anh (Theo Mongabay)