BVR&MT – Trong tự nhiên, hổ là loài săn mồi ở đỉnh chuỗi thức ăn. Loài động vật đơn độc có thể đi gần 300 km để tìm thức ăn và bạn tình này rất hiếm khi tiếp xúc với những cá thể hổ khác hoặc con người. Đáng buồn thay, số lượng hổ hoang dã đang bị lấn át bởi số hổ bị nuôi nhốt và không có dấu hiệu nào cho thấy ngành công nghiệp nuôi nhốt hổ giảm đi.
Ước tính có hơn 8.000 cá thể đang bị nuôi nhốt ở Đông Á và Đông Nam Á, gấp đôi số lượng hổ còn lại trong tự nhiên (ước tính khoảng 3.900 cá thể). Hiện Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam có số lượng hổ nuôi nhốt nhiều nhất châu Á nhưng không còn quần thể hổ hoang dã nào được cho là sót lại ở Lào, Campuchia hoặc Việt Nam.
Và không có dấu hiệu nào cho thấy ngành công nghiệp nuôi nhốt hổ giảm đi. Một công viên hổ mới vừa được khai trương tại Phuket, nơi công viên Tiger Kingdom hoạt động từ năm 2013. Hòn đảo này đón gần 10 triệu du khách năm 2019 và dường như các doanh nhân tin rằng sự quan tâm của khách du lịch về việc nhìn ngắm những con hổ bị giam cầm là đủ để biện minh cho việc mở một công viên khác ở cùng khu vực.
Thăm vườn thú Sriracha và Công viên Hổ Pattaya ở Thái Lan cũng như Công viên Hổ Siberi ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, du khách sẽ thấy nhiều cá thể hổ rảo bước và đôi khi ngủ chồng lên nhau. Tuy nhiên, nguy cơ cận huyết có thể xảy ra ở những nơi như vậy và điều này dễ khiến các quần thể hổ nuôi nhốt bị mắc dị tật.
Đáng chú ý là thu hút du khách sẽ bao gồm cả cơ hội tương tác và chụp ảnh với hổ, xem chúng biểu diễn xiếc và cho chúng ăn thịt hoặc gà còn sống (bằng tay hoặc bằng cách bắn vào mục tiêu thả thịt xuống những con hổ đang chờ). Nhưng khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới nghĩ gì về những nơi như vậy, liệu họ có nghĩ về hàm ý rộng hơn và những gì diễn ra sau hậu trường. Hổ con chỉ được an toàn trong vài tháng đầu đời, khi chúng lớn lên, những cá thể mới sẽ được nhân giống để thay thế chúng. Hổ già được đánh thuốc mê để giữ “an toàn” cho khách du lịch chụp ảnh, bị người trông coi chọc bằng gậy để chúng đủ tỉnh táo trước máy ảnh. Làm thế nào các nơi này có thể tiếp tục nuôi một quần thể hổ ngày càng tăng trong khi trang thiết bị rất hạn chế?
Thế giới đã biết đến thực tế của những cơ sở nuôi hổ này sau cuộc đột kích và đóng cửa Đền Hổ ở Kanchanaburi, Thái Lan năm 2016. Ngoài 147 cá thể hổ còn sống bị bắt giữ, lực lượng thực thi pháp luật đã tìm thấy 40 cá thể hổ đông lạnh, 20 cá thể con ngâm trong phoóc môn, 02 bộ da hổ trưởng thành, 1.500 miếng bùa da hổ và bùa hộ mệnh làm từ răng hổ. Những sản phẩm này sẽ được bán ra chợ đen trong khi ngôi đến đồng thời là một điểm thu hút đông khách du lịch và cũng một cơ sở chăn nuôi bí mật để cung cấp các sản phẩm hổ bất hợp pháp. Dù vậy, những người liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp này vẫn chưa bị truy tố.
WWF tin rằng những trang trại hổ này (thực tế là những cơ sở nuôi nuôi nhốt với mục đích buôn bán các bộ phận và sản phẩm từ hổ) không có giá trị bảo tồn vì những cá thể hổ này không bao giờ tồn tại được trong tự nhiên. Thay vào đó, những cơ sở này làm yếu đi các nỗ lực thực thi để chấm dứt nạn buôn lậu hổ và trong một số trường hợp có thể làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm hổ bất hợp pháp. Kích thích nhu cầu theo cách này có thể làm tăng nạn săn trộm hổ từ tự nhiên.
Dẫu hầu hết khách du lịch có lẽ không bao giờ nghĩ rằng những công viên này, đặc biệt là những công viên hoạt động công khai ở các điểm du lịch lại là mặt trận buôn lậu cũng như những chú hổ dễ thương họ chụp ảnh cùng lại có kết cục trong chum rượu hoặc bị giết thịt nấu cao.
Thái Lan đã làm tốt việc bảo vệ các khu vực có hổ hoang dã của sinh sống, vì vậy thật không may khi chứng kiến giấy phép được trao cho một cơ sở làm mờ đi những nỗ lực bảo tồn này, cũng như nỗ lực của tất cả các quốc gia có hổ để bảo vệ quần thể hoang dã. Chính quyền các nước châu Á nên thể hiện sự quyết tâm bằng cách loại bỏ hoàn toàn các trang trại hổ.
WWF khuyến nghị một kế hoạch loại bỏ từng bước, bắt đầu bằng việc ngừng buôn bán tất cả các sản phẩm từ các trang trại hổ, thực hiện kiểm toán xem có bao nhiêu hổ và ngay lập tức tạm dừng nhân giống thêm tại các cơ sở đó. Điều này có thể đạt được bằng cách tách riêng các cá thể đực và cái hoặc thông qua triệt sản. Các chính phủ nên tập hợp đội ngũ chuyên gia về phúc lợi động vật, vườn thú, buôn bán hổ và chăm sóc thú y để lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn các cơ sở này. Rất nhiều cá nhân sẽ sẵn sàng tham gia hỗ trợ.
Riêng khách du lịch cũng nên cân nhắc lựa chọn và đừng vô tình hỗ trợ những cơ sở thu lợi từ sự đau khổ và tiềm năng buôn bán lậu hổ nuôi nhốt.
Nhật Anh (Theo Bangkok Post)