BVR&MT – Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào sáng 5/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm cơ bản ổn định.
Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến bước đầu, là tín hiệu tích cực tạo đà cho phục hồi thời gian tới.
Một bộ phận cán bộ còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 3,84% so với cùng kỳ 2022, giảm so với quý 1 (4,18%) và hai tháng đầu năm (4,6%). Lạm phát cơ bản tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát cơ bản tăng là do 2 yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI (giá xăng dầu và giá ga) mặc dù trong 4 tháng đầu năm có giảm nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn, gây sức ép lên điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao.
Xuất nhập khẩu 4 tháng giảm 15,4% cùng kỳ năm trước, đạt hơn 102,2 tỷ USD. Việt Nam ghi nhận xuất siêu 6,35 tỷ USD 4 tháng đầu năm, phần lớn do khu vực vốn đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu gần 14,4 tỷ USD, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD.
Mặc dù ghi nhận đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao khi tính chung 4 tháng có khoảng 77 nghìn doanh nghiệp (tăng 25,1%). Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là vấn đề cần lưu ý.
Phân tích làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến những tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu tác động từ tình hình thế giới nhiều khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, khó lường.
Trong khi, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình phục hồi; năng lực nội tại, khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế. Công tác dự báo thì gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn.
Đáng chú ý là một số nơi, một số bộ ngành, địa phương phản ứng chính sách còn chậm, chưa phát hiện, tham mưu chính sách kịp thời, phối hợp chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.
Tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần có các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa các cấp ngành.
Ông kiến nghị các bộ ngành, địa phương theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước và tác động đến nước ta, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính quản lý chặt các nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; nghiên cứu, đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí…, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…
Đồng thời, khẩn trương rà soát, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình và theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể để hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng phải tiếp tục được đẩy mạnh.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.