BVR&MT – Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại lâu đời ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.
Điều này để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tầm vóc thể hình và là rào cản lớn cho việc học tập, phát triển giáo dục của các bé gái. Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xóm Làng Lỷ, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng có 37 hộ người dân tộc Mông, Nùng cùng sinh sống. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, đường đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, nhiều khu vực không có sóng điện thoại, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, xóm có 4 cặp tảo hôn người Mông. Ông Trương Văn Thắng, Trưởng xóm Làng Lỷ cho biết, đa số các trường hợp tảo hôn đều là học sinh nghỉ học sớm, làm nương rẫy, kiến thức về hôn nhân và gia đình còn hạn chế, chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng làm cha mẹ…
Xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang là xã biên giới có trên 700 hộ dân tộc Nùng, Tày cùng chung sống, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 50%. Từ năm 2022 – 2023, địa bàn xã Thống Nhất có 4 cặp tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống.
Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Chu Văn Đình cho biết, để chấm dứt tình trạng tảo hôn, UBND xã đã phối hợp với các đoàn thể thành lập ba Câu lạc bộ phổ biến, giáo dục pháp luật tại xóm Nà Kéo, liên xóm Pác Lung – Kênh Nghiều – Nà Hoạch; liên xóm Đoàn Kết – Bản Lạn – Nà Lụng. Các Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần với 164 lượt hội viên tham gia. Việc ngăn chặn, xử phạt các trường hợp tảo hôn được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, góp phần làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn tại xã so với những năm trước đây.
Hà Quảng là huyện vùng cao, biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại các xã vùng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn khá lớn. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật hạn chế. Nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ năm 2015-2023, địa bàn huyện có 353 cặp tảo hôn, trong đó, 154 cặp dân tộc Mông, 90 cặp dân tộc Dao… Toàn huyện có 13 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Nông Văn Nhất cho biết, huyện đã triển khai hai mô hình điểm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2025 tại xã Thanh Long (Bình Lãng cũ) và xã Nội Thôn. Từ kết quả của những mô hình này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện tổ chức tập huấn cho cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các xã, thị trấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, chuyển đổi hành vi…
Giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh Cao Bằng có 666 cặp tảo hôn (giảm 731 cặp so với giai đoạn 2015 -2020); 310 cặp tảo hôn một người, 356 cặp tảo hôn cả hai người; 56 trẻ em tảo hôn, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Nùng. 6 cặp hôn nhân cận huyết thống (giảm 20 cặp so với giai đoạn 2015 – 2020).
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng duy trì 7 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng 4 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Hạ Lang, Bảo Lạc, Thạch An). Nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 10 tỷ đồng.
Cao Bằng đặt mục tiêu giảm bình quân 2 – 3%/năm số cặp tảo hôn, số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Cùng với đó, tỉnh là thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế – xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.