BVR&MT – Người dân đã nhận thức rõ việc tiếp xúc giữa người và động vật, liên quan đến nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, có thể gây bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng.
Ngày 25/5, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Báo cáo sáng kiến toàn cầu công bố Báo cáo “COVID-19 – Một năm nhìn lại.”
Sau hơn một năm dịch COVID-19 bùng phát, người dân đã nhận thức rõ về rủi ro về việc tiếp xúc giữa con người và động vật, đặc biệt trong các trường hợp liên quan tới nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ cao.
Báo cáo được xây dựng dựa trên nghiên cứu “Đằng sau Lệnh cấm Ngà voi” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên và Tổ chức Báo cáo sáng kiến toàn cầu thực hiện vào năm 2020 để hiểu sâu hơn về thái độ và hành vi của công chúng đối với dịch COVID-19 và các đại dịch trong tương lai.
Hơn một năm sau khi bùng phát dịch COVID-19, kết quả khảo sát cho thấy người dân đã nhận thức rõ việc tiếp xúc gần giữa người và động vật, thường liên quan đến nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, có thể gây bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng.
Trong đó, có 46% số người tham gia cho rằng, lây truyền bệnh từ động vật sang người là nguyên nhân gốc rễ có thể gây ra một đại dịch trong tương lai.
Điều tra gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chỉ ra động vật hoang dã có khả năng là nguồn lây nhiễm của đại dịch COVID-19.
Đa số những người được khảo sát tin rằng, việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai cần bắt đầu bằng việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, bao gồm buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ cao và phá rừng.
Tại cả 5 quốc gia, người dân ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã có nguy cơ cao, nơi bán động vật bị bắt từ tự nhiên (85%) và chấm dứt nạn phá rừng (88%). Trong đó, tại Việt Nam, tỷ lệ ủng hộ cho hai vấn đề trên lần lượt là 94% và 95%.
Thêm vào đó, 85% số người được hỏi ở cả 5 quốc gia ủng hộ hoặc ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận “Một sức khỏe” để đối phó với đại dịch.
Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ đồng ý là 93% và là quốc gia đứng thứ 2 có tỷ lệ đồng thuận cao nhất.
“Một sức khỏe” là cách tiếp cận trong đó các chương trình hành động, chính sách và pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu sức khỏe tốt hơn cho con người, động thực vật, đặc biệt trong bối cảnh lây lan dịch bệnh giữa động vật và con người gia tăng và tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến.
Cụ thể hơn, trong số những người tham gia khảo sát tại Việt Nam, có 39% số người được hỏi cho biết họ đã tiêu thụ động vật hoang dã ít hơn hoặc đã ngừng tiêu thụ động vật hoang dã vì COVID-19.
Tại Thái Lan, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi từ 21% vào năm 2020 lên 41% vào năm 2021. Trong khi tại Trung Quốc, con số này là 28% năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn có 9% số người tham gia khảo sát có ý định mua các sản phẩm từ động vật hoang dã trong tương lai ở cả năm quốc gia.
Đại dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của xã hội loài người và khiến con người cần phải suy nghĩ thấu đáo hơn về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Cách tốt nhất để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai là giảm thiểu các hoạt động hủy hoại môi trường tự nhiên như phá rừng, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã không bền vững, có nguy cơ cao, thay vì thụ động ứng phó với các làn sóng dịch bệnh bùng phát sau khi chúng xuất hiện.
“Việc ngăn chặn đại dịch, ước tính, sẽ ít tốn kém hơn 100 lần so với việc ứng phó với đại dịch khi nó bùng phát. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy đầu tư vào sức khỏe hành tinh và thiên nhiên là cách duy nhất để tránh phải trả một cái giá quá đắt về kinh tế và xã hội,” ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế nhận định.
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Chống buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam nhận xét: “Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao trong việc thực hiện, kịp thời khen thưởng các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt và nghiêm khắc xử lý các địa phương thực hiện chưa tốt để Chỉ thị đi vào cuộc sống.”
Kết quả của Báo cáo là cơ sở quan trọng để Việt Nam và các nước trong khu vực cân nhắc những quyết sách về đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã, đóng cửa rừng nhằm chủ động phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng như các bệnh dịch liên quan đến động vật hoang dã lây bệnh sang con người có thể xảy ra trong tương lai.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên kêu gọi các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để giải quyết các động lực chính gây bùng phát dịch bệnh từ động vật sang người trong các kế hoạch phòng chống đại dịch.
Ví dụ, việc đóng cửa rừng và đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ cao sẽ giúp phục hồi các quần thể động vật và duy trì đa dạng sinh học ở cấp quốc gia và toàn cầu
. Qua đó, dịch bệnh có thể được điều chỉnh một cách tự nhiên, cũng như giúp đảm bảo việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên./.