BVR&MT – Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Tại nước ta, ô nhiễm không khí, nhất là bụi trong không khí đang gia tăng cả về quy mô, mức độ tại các đô thị lớn và đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân…
Hiện nay, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí tại các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, đã đạt mức trung bình năm vượt quy chuẩn chất lượng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra (QCVN 05:2013/BTNMT). Nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong năm 2021 đã cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả…
Chỉ số hiệu quả môi trường EPI năm 2022 cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở Việt Nam ở mức cao (xếp hạng 130 trên tổng số 180 quốc gia). Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe, liên quan chặt chẽ với tử vong sớm là bụi hạt PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi. Ở nước ta, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, thì có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Số ca tử vong sớm do phơi nhiễm bụi PM2.5 cao hơn mức khuyến cáo của WHO năm 2019 là gần 56.808 ca, chiếm khoảng 9,9% tổng số ca tử vong do các nguyên nhân tự nhiên tại Việt Nam. Số ca tử vong do phơi nhiễm bụi PM2.5 năm 2019 lớn nhất là tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; khu vực Tây Nguyên là nơi có số ca tử vong do bụi PM2.5 thấp nhất. Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là những địa phương có ước tính số ca tử vong do phơi nhiễm bụi cao nhất nước.
Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là một trong năm nhóm bệnh bị mắc cao nhất. Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Thông tin về chất lượng không khí toàn cầu (IQAir) dựa trên mức đo lượng bụi siêu mịn PM2.5, Việt Nam đứng thứ 17, trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp những thành phố ô nhiễm không khí cao trên thế giới. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các quận, huyện đều cao hơn ngưỡng quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT, đồng thời vượt khuyến nghị của WHO năm 2021. Nồng độ bụi PM2.5 cao ở các quận trung tâm, thấp ở các huyện xa như Củ Chi, Cần Giờ. Nồng độ bụi cao trong các tháng 1, 2, 3, 12 và thấp trong các tháng còn lại.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường đại học Y tế công cộng) cho biết, ô nhiễm không khí có thể tác động ngắn hạn hoặc dài hạn lên sức khỏe con người. Nhằm chủ động kiểm soát ô nhiễm không khí, giảm đến mức thấp nhất tác động đến sức khỏe người dân, ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí chung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, nhất là giảm tác hại đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra, các chuyên gia môi trường và y tế cho rằng, một số tỉnh, thành phố đang hoặc có nguy cơ cao về ô nhiễm bụi PM2.5 cần có những biện pháp, chính sách giám sát và quản lý chất lượng không khí quyết liệt, kịp thời và hiệu quả. Với những tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp về ô nhiễm bụi PM2.5 vẫn cần duy trì cơ chế giám sát và kiểm soát nhưng ở mức độ phù hợp để tiết kiệm nguồn lực kinh tế và con người.
Chúng ta cũng cần đầu tư cho quản lý chất lượng môi trường không khí theo khu vực và mức độ đô thị hóa, bởi nguy cơ ô nhiễm bụi PM2.5 có xu hướng tăng lên khi các khu đô thị được xếp loại cao hơn về phân loại đô thị. Các đô thị được xếp hạng đều là các khu vực có sự phát triển mạnh về kinh tế và xã hội, dẫn đến khả năng tác động xấu đến môi trường không khí nếu không được giám sát và quản lý tốt. Bên cạnh đó, cần tăng cường mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tiêu chuẩn của Nhà nước trên toàn quốc, ưu tiên các tỉnh và khu vực có ô nhiễm không khí.
Vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Cải thiện giám sát và quản lý ô nhiễm không khí ở Việt Nam sử dụng quan trắc PM2.5 bằng vệ tinh”, các nhóm nghiên cứu Địa Tin học tại Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường đại học Y tế công cộng đã phối hợp với nhóm Khoa học công dân-môi trường tại Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng thực hiện thành công Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021”. Báo cáo đã sử dụng dữ liệu bụi PM2.5 từ mô hình học máy thống kê trên dữ liệu đa nguồn, để đưa ra bức tranh ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 ở Việt Nam.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, các kết quả báo cáo phân tích về hiện trạng bụi PM2.5 và lợi ích sức khỏe tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cùng với phân tích chuyên sâu đến cấp quận, huyện cho một số tỉnh, thành phố sẽ giúp xác định những vùng đang gặp vấn đề ô nhiễm bụi PM2.5 để từ đó các cơ quan quản lý và chính quyền có cơ sở để xây dựng chính sách quản lý chất lượng không khí phù hợp.
Các nhà khoa học về môi trường khuyến nghị các tỉnh, thành phố cần xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu và thông tin bảo đảm, kiểm soát chất lượng tại các trạm để tăng cường chất lượng mô hình hóa và quan trắc PM2.5 nói riêng, cũng như hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và giáo dục-truyền thông về ô nhiễm không khí nói chung. Theo đó, định kỳ rà soát và nâng cao các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí và các nguồn thải; tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả; công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.
Các địa phương cần xây dựng và triển khai việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, bảo đảm đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng, miền trên phạm vi cả nước…
Một việc cần làm nữa là định kỳ đánh giá tác động của bụi với sức khỏe cũng như rà soát việc tuân thủ các quy chuẩn hiện có, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp để nâng cao quy chuẩn về chất lượng không khí chung quanh và khí thải từ các ngành công nghiệp, lò đốt chất thải, đồng thời ban hành quy chuẩn về chất lượng không khí trong nhà.
Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học, cần đầu tư các nghiên cứu về dữ liệu và các phương pháp mô hình hóa cho ô nhiễm không khí ở phạm vi toàn quốc, vùng, miền và thành phố, tỉnh để cung cấp các số liệu hiện trạng và dự báo ô nhiễm không khí có độ chính xác cao. Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu sâu về mô hình tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí; cần thực hiện tham vấn cho cơ quan chính phủ về quy trình và kết quả của đánh giá tác động sức khỏe…