BVR&MT – 90-94% tổng sản lượng sắn Việt Nam được tiêu thụ tại Trung Quốc. Việc cả một ngành trồng trọt phụ thuộc vào duy nhất một thị trường tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Năm 2021, diện tích sắn cả nước đạt 528 nghìn ha, năng suất bình quân khoảng 20,3 tấn/ha cho sản lượng gần 10,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 16,5% về giá trị so với năm 2020. Cả nước hiện có 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất 8,6 triệu tấn sắn tươi/năm, trải dài tại 27 tỉnh, thành phố.
Cần phải xác định đúng vị thế của cây sắn (mỳ) trong cơ cấu cây trồng
Báo cáo tại Hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn tại Việt Nam” tổ chức ngày 8/4, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, vị thế của cây sắn trong phát triển kinh tế vẫn chưa được nhiều địa phương coi trọng đúng mức và đầu tư phát triển bài bản cho loại cây này.
Lý giải về nguyên nhân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, nhiều nơi vẫn tồn tại định kiến trồng sắn làm nghèo đất, hoạt động sản xuất chế biến gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Chính vì vậy, trong quy hoạch phát triển cũng như phân bổ cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương vẫn chưa dành nhiều dư địa phát triển sắn.
Để khắc phục tình trạng trên, đưa cây sắn về đúng vị thế, ông Tiến khuyến nghị cần đẩy nhanh công tác chuyển giao giống mới, có năng suất và chất lượng cao cho người dân. Yêu cầu các nhà máy chế biến ký cam kết tiêu thụ, đầu tư vùng nguyên liệu. Có như vậy, người dân mới yên tâm sản xuất và có cơ hội tiếp cận với các biện pháp canh tác tiên tiến.
Cũng theo ông Tiến, hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của cây sắn Việt Nam (chiếm từ 90-94% tổng sản lượng). Việc cả một ngành trồng trọt chỉ phụ thuộc vào duy nhất một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro rất lớn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh khiến nước bạn tăng cường các biện pháp phòng hộ.
“Hiệp hội đã có định hướng, mở rộng thị trường sang các nước EU nhưng cái khó hiện nay là sản phẩm của chúng ta còn đơn điệu, chủ yếu là chế biến thô nên chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là với các thị trường khó tính”, ông Tiến nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sắn đạt 2 tỷ USD vào năm 2030, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết thêm, Hiệp hội đang phối hợp cùng Bộ NN-PTNT để hoàn thiện đề án Tái cơ cấu ngành sắn trong giai đoạn 2025 -2030, tầm nhìn 2050 để trình Chính phủ.
Với mục tiêu đến năm 2030 đạt từ 1,5 đến 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ông Nghiêm Minh Tiến cho biết, ngành sắn đang nỗ lực cùng với các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT xúc tiến xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành sắn trình Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2050.
Sẽ giảm diện tích trồng sắn tại tỉnh “Vua mỳ”
Là tỉnh có diện tích trồng sắn (mỳ) nguyên liệu lớn nhất cả nước với hơn 81.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 1,6 triệu tấn (bằng 15,42% tổng sản lượng của cả nước) nhưng do diện tích canh tác không tập trung, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sản phẩm đơn điệu nên sản lượng bình quân của Gia Lai không cao, chỉ khoảng 20 tấn/ha. Thu nhập của người nông dân từ việc trồng sắn cũng chỉ đạt từ 20-25 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, phương thức canh tác quảng canh, diện tích trồng sắn ồ ạt mở rộng khiến nạn phá rừng tại địa phương có xu hướng tăng, đất đai bị thoái hóa và rửa trôi nghiêm trọng.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ giảm diện tích trồng sắn xuống còn 61.000 ha. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các biện pháp thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn các giống sắn có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, sản lượng sắn của tỉnh chủ yếu cung cấp cho 5 nhà máy chế biến tinh bột với tổng công suất 1.250 tấn/ngày. Nhưng trình độ chế biến hiện nay còn nhiều hạn chế, công nghệ lạc hậu, các cơ sở chế biến sắn nhỏ lẻ thường xây dựng theo hướng tự phát, chưa có quy hoạch đồng bộ, nằm gần các khu dân cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Sắp tới, Sở NN-PTNT sẽ triển khai xây dựng chuỗi giá trị bền vững, nâng cao tính liên kết giữa các hợp tác xã, nông hộ với các nhà máy chế biến. Từng bước áp dụng kỹ thuật chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nông dân.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT, sớm cung cấp giống sắn có năng suất và giá trị kinh tế cao.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác truyền thông để nâng cao vị thế cây sắn
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo, trong thời gian sắp tới, cần tập trung cải thiện năng suất, triển khai quy hoạch đồng đều diện tích trồng sắn để khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các vùng, áp dụng triệt để các biện pháp canh tác hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo vệ đất trồng trọt.
“Việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất là vô cùng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, cây sắn nói riêng. Đây là tiền đề để giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường theo đúng định hướng của Chính phủ, Bộ NN-PTNT”.
Theo Thứ trưởng, phát triển diện tích trồng sắn không phải là mục tiêu trước mắt, quan trọng nhất là ổn định, tập trung thâm canh để đạt mục tiêu, đến năm 2025 năng suất đạt 25 tấn/ha và cho đến năm 2030 là 30 tấn/ha.
“Trước kia, chúng ta coi cây sắn là cây xóa đói, cần phải thay đổi quan niệm này. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có sản lượng sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 trên thế giới, phải coi đây là một loại cây hàng hóa để đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu. Muốn phát triển bền vững, cần xây dựng chuỗi giá trị để liên kết giữa doanh nghiệp với địa phương, với người dân”.
Một vấn đề nữa cũng được Thứ trưởng lưu ý các địa phương và Hiệp hội Sắn Việt Nam là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân nhận thức đúng tầm quan trọng của cây sắn trong phát triển kinh tế.
“Cục Trồng trọt cần phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương và Hiệp hội Sắn Việt Nam để đẩy nhanh công tác hoàn thiện đề án phát triển cây sắn bền vững, giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2050”.