Net Zero: từ cam kết đến những bước đi tiên phong của doanh nghiệp Việt

BVR&MT – Net Zero vào năm 2050 – cam kết này của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) đã trở thành một dấu mốc lịch sử, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững. Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.

Một chương trình đặc biệt về Net Zero trên VTV đã lựa chọn 3 từ khóa “Cắt giảm – Chuyển đổi – Hấp thụ” tương đương với 3 quá trình hướng tới Net Zero. Vậy các doanh nghiệp – đầu tàu của nền kinh tế đã và đang làm gì, từ tư duy đến hành động, từ quản trị đến thực thi để tạo dựng nên nền sản xuất xanh, nền kinh tế bền vững hơn với mục tiêu Net Zero?

3 từ khóa hướng đến Sản xuất xanh là Cắt giảm – Chuyển đổi – Hấp thụ (Nguồn: VTV Tạp chí Kinh tế Đặc biệt Net Zero)

Cắt giảm

Tại một doanh nghiệp điển hình về phát triển bền vững – Vinamilk, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến “không có gì bị loại bỏ” đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ để góp phần “cắt giảm” phát thải.

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là vòng quay tuần hoàn để đầu ra của quá trình này có thể là đầu vào của quá trình khác từ đó giảm khai thác tài nguyên, chi phí xử lý chất thải và giảm ô nhiễm môi trường.


Chất thải đàn bò được xử lý thành phân bón cho đồng cỏ, hạn chế phát thải, mùi hôi, ruồi muỗi. (Nguồn: VTV Tạp chí Kinh tế Đặc biệt Net Zero)

Tại trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh thuộc hệ thống 13 trang trại của doanh nghiệp, mỗi ngày đàn bò sữa 8.000 con thải ra 30 tấn phân. Chất thải sau đó được thu gom bằng hệ thống hiện đại và xử lý với công nghệ ủ Biogas. “Đầu ra” của quy trình này là phân bón, nước, khí đốt trở thành “đầu vào” của một vòng tuần hoàn mới, khép kín. Nhờ vậy, mỗi năm trang trại có thể tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng chi phí điện năng và còn giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2.

Tại một khâu khác của chuỗi giá trị là sản xuất, siêu nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk với công suất 800 triệu lít sữa/năm cũng giảm phát thải tới 10.000 tấn CO2/năm. Hệ thống thu hồi và tái sử dụng nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt, giảm bớt năng lượng đầu vào, chi phí vận hành cũng như những tác động tiêu cực tới môi trường.

Hay việc ứng dụng robot LGV tự hành tiết giảm tới 62% lượng khí thải CO2 so với xe nâng truyền thống do tiết kiệm năng lượng và có thể tính toán con đường ngắn nhất để di chuyển.

Hệ thống robot LGV tại Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk).

Chuyên gia tại Viện tiêu chuẩn Anh tại Việt Nam (BSI Việt Nam) – đơn vị về tiêu chuẩn quốc gia hàng đầu trên thế giới – nhận định một quá trình chuyển đổi Net Zero bền vững cần dựa trên nền tảng cắt giảm khí nhà kính. “Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu đo lường phát thải, từ đó áp dụng nhiều phương pháp giảm phát thải CO2 hiệu quả và dài hạn. Vinamilk là một doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc này”, bà Nguyễn Đình Minh Tâm, Giám đốc vận hành Tuân thủ và Quản lý rủi ro của BSI Việt Nam cho biết.

Chuyển đổi

Mặc dù có những hành động nhanh chóng, các doanh nghiệp cũng cần xác định hành trình hướng đến Net Zero sẽ mang tính lâu dài. Nhiều chiến lược lớn cần thay đổi và đầu tư, đặc biệt về quy trình, quản trị và con người. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần cấp lãnh đạo am hiểu và theo dõi toàn bộ quá trình, tiến đến nâng cấp các thực hành Phát triển bền vững tự nguyện lên tầm quản trị, chiến lược.

Tại Vinamilk, doanh nghiệp cũng đi từ những bước đầu tiên với định hướng nhất quán về phát triển bền vững. Từ nguyên tắc tuân thủ luật, quy định môi trường đến sự chủ động thực hành báo cáo phát triển bền vững cách đây hơn 12 năm.

Từ khá sớm, Vinamilk đã chuyển đổi sang nhiều công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo… Với tổng công suất lắp đặt 72,55 MWP, theo tính toán, giải pháp quang năng giúp giảm thiểu gần 85.000 tấn CO2/năm, tương đương 4,6 triệu cây xanh được trồng. Bên cạnh đó, việc kết hợp sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG), Biomass… thay thế cho xăng, dầu DO/FO… giúp cho tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh trong hoạt động sản xuất tại Vinamilk hiện đạt gần 87%, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm phát thải CO2.

Hấp thụ

Khi cắt giảm và chuyển đổi tối đa thì “hấp thụ” là bước quan trọng để hướng tới mục tiêu cân bằng, Net Zero. Hiện các doanh nghiệp đã nỗ lực trồng nhiều cây xanh để hấp thụ, bù lại lượng CO2 do quá trình sản xuất thải ra.

Diện tích mảng xanh tại các trang trại Vinamilk Green Farm duy trì tỷ lệ bao phủ trên 70%. Cây xanh được trồng xung quanh để tạo vành đai sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và hạn chế các tác động từ môi trường bên ngoài.

Từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố. Mới đây, Vinamilk cũng tiếp tục cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero trong giai đoạn 5 năm từ 2023 đến 2027.

Quỹ cây xanh này sẽ trực tiếp góp phần “hấp thụ” CO2 cho chính doanh nghiệp, giúp cân bằng phát thải trong tương lai và còn tạo ra nhiều giá trị tăng thêm như sinh kế người dân, cải thiện sinh thái, cảnh quan, môi trường…

Đại diện Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường kí biên bản ghi nhớ vào cuối năm 2022.

Phát triển bền vững ngày càng được Chính phủ, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đề cao và thúc đẩy, đồng nghĩa với việc sẽ có những chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình bài bản từ quản trị, thực thi đến kiểm soát. Và không thể thiếu một cam kết có tính mạnh mẽ và nhất quán với các mục tiêu lớn, dài hạn như Net Zero.

Ban biên tập