BVR&MT – Nếu như hoa Ban là biểu tượng cho vùng núi Tây Bắc thì áo Cóm chính là biểu tượng không thể thiếu của người phụ nữ dân tộc Thái. Cũng như áo dài của người con gái Việt Nam, áo Cóm là bộ trang phục truyền thống làm tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc Thái.
Ở Lai Châu, đồng bào Thái trắng sinh sống nhiều ở huyện Phong Thổ, sống rải rác ở các huyện, thành phố khác trong tỉnh. Đồng bào dân tộc Thái tại huyện Phong Thổ hiện có khoảng 13.000 người, chiếm 17% dân số toàn huyện, tập trung chủ yếu tại các xã: Mường So, Khổng Lào, Bản Lang, Nậm Xe và xã Hoang Thèn.
Dân tộc Thái được chia làm hai nhóm chính là Thái trắng và Thái đen, trang phục váy áo Cóm cũng có sự khác nhau giữa hai nhóm. Áo Cóm của phụ nữ Thái trắng thì cổ áo có hình trái tim, nẹp vải đen để tôn lên chiếc cổ cao, trắng ngần của người mặc; trong khi đó, áo Cóm của người Thái đen lại được may cổ tròn, cao, ôm khít cổ. Áo Cóm có nhiều màu sắc khác nhau nhưng màu trắng vẫn được chị em lựa chọn nhiều nhất. Váy được may bằng vải nhung màu đen tuyền có in hoặc thêu những hoa văn độc đáo, mặt trong gấu váy có táp vải màu rực rỡ.
Bộ váy áo Cóm được phụ nữ Thái mặc để đi nương, đi cấy, đi chợ, đi chơi, tham dự lễ hội, là trang phục cho cô gái ngày về nhà chồng. Vì thế, bộ váy áo Cóm không chỉ đẹp sang trọng, quý phái mà còn tiện dụng. Điểm nổi bật trên chiếc áo Cóm là hàng cúc bạc hình con bướm mang ý nghĩa nhân sinh tinh tế. Hai hàng cúc bướm, một bên là hàng bướm đực, một bên là hàng bướm cái. Số lượng cúc cũng tùy thuộc vào người mặc. Với con gái chưa chồng sẽ được đính số cúc lẻ, sau khi lấy chồng sẽ đính số chẵn.
Bà Lò Thị Chắc, bản Thèn Chồ, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ chia sẻ: Hàng khuy áo, ngoài việc để trang trí cho đẹp thì còn mang ý nghĩa tâm linh của phụ nữ Thái. Trước khi về nhà chồng, bố mẹ cô gái làm cho con một bộ cúc bạc may vào áo làm của hồi môn. Sau này khi già rồi mất đi nhất định cũng phải mặc áo Cóm để về với tổ tiên, để tổ tiên nhận ra. Chiếc áo Cóm ngắn được mặc phía trong và chiếc áo Thái dài truyền thống được mặc trùm ra ngoài. Chúng tôi thường mặc áo Cóm, váy đen và dây thắt lưng màu xanh vào những dịp lễ tết, hội hè. Khi sinh con, chúng tôi luôn dạy con cháu phải làm đẹp với chiếc váy áo Cóm để tự hào về trang phục truyền thống dân tộc mình.
Huyện Phong Thổ là cái nôi truyền thống của đồng báo Thái trắng, đây cũng là địa phương có nhiều điểm du lịch văn hóa, hàng năm thu hút đông du khách tới thăm. Nắm bắt được nhu cầu của du khách muốn mua một sản phẩm đặc trưng du lịch nên ở huyện Phong Thổ đã có dịch vụ may váy áo Thái. Bà Mạc Thị Còi, bản Tây An, xã Mường So là địa chỉ duy nhất tại xã nhận may váy áo Cóm và được đông đảo khách hàng tin tưởng đặt may ở huyện Phong Thổ. Không chỉ nhận may cho khách, bà Còi còn tỉ mẩn hướng dẫn cho khách cách mặc, chỉnh sửa sao cho trang phục thật vừa, tôn đường cong và vẻ đẹp của khách hàng.
Từ Hà Nội lên Lai Châu công tác, chị Lưu Thị Hòa được bạn bè cho xem ảnh thiếu nữ dân tộc Thái. Thích thú trước trang váy áo Cóm, chị Hòa nhờ bạn dẫn đi may một bộ. Chị Hòa cho biết: Tôi mặc thử thấy đẹp nên quyết định đặt may. Tôi không nghĩ trang phục dân tộc của người Thái lại đẹp và tôn dáng đến vậy. Chiếc áo bó gọn vòng eo, chiếc váy như làm tôi “ăn gian” được chiều cao. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà sẽ rất nhiều người thích trang phục này.
Ông Đèo Văn Dương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Trang phục váy áo Cóm là lựa chọn để làm tôn vẻ đẹp của người phụ nữ dân tộc Thái. Phụ nữ Thái luôn tự hào về trang phục của dân tộc mình. Để gìn giữ những nét đẹp của văn hóa dân tộc Thái, chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền cho mọi người, nhất là giới trẻ để nền văn hóa ấy không bị mai một. Tuy nhiên trước thực trạng giới trẻ ngày càng chạy theo những văn hóa mới mẻ, có sức thu hút hơn, để bảo tồn và phát huy được nét đặc trưng truyền thống này, ngoài ý thức giữ gìn của đồng bào dân tộc Thái rất cần sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, lưu giữ nét đẹp đó.