Nepal tự chi tiền điều tra số lượng tê giác vào 2020

BVR&MT – Chính phủ Nepal có kế hoạch tiến hành một cuộc điều tra tổng thể loài tê giác một sừng lớn (Rhinoceros unicornis) vào tháng 3/2020, một năm sau khi trì hoãn vì thiếu tiền.

Việc kiểm đếm dự kiến tiêu tốn khoảng 140.000 USD và do chính phủ chi trả, không giống như những năm trước khi chính quyền dựa vào các nhà tài trợ để tiến hành tổng điều tra.

Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn Động vật hoang dã đã vận động chính phủ phân bổ tiền cho việc kiểm đếm sau khi không thể gây được số quỹ cần thiết để tiến hành điều tra vào đầu năm 2019 như đã lên kế hoạch. Trong bài phát biểu gần đây về ngân sách cho năm tài chính mới, Bộ trưởng Tài chính Yubraj Khatiwada tuyên bố: “Một kế hoạch hành động bảo tồn sẽ được chuẩn bị, và một cuộc tổng điều tra về các loài động vật hoang dã quý hiếm cùng các loài sắp tuyệt chủng sẽ được thực hiện”.

Tê giác ở Vườn quốc gia Chitwan của Nepal (Ảnh: Dhilung Kirat via Flickr (CC BY-SA 2.0)

Trợ lý tổng giám đốc Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn động vật hoang dã Ram Chandra Kandel cho biết Chính phủ phân bổ 96.400 USD cho việc kiểm đếm và sẽ yêu cầu các tổ chức phi chính phủ đóng góp phần còn lại.

Thông báo của chính phủ được đưa ra khi một số lượng đáng kể tê giác của Nepal chết do nguyên nhân tự nhiên hoặc không rõ. Kể từ giữa tháng 7/2018, 45 cá thể tê giác đã được tìm thấy trong tình trạng đã chết trong và xung quanh Vườn quốc gia Chitwan – khu bảo tồn tê giác chính của nước này.

Những cái chết đã thúc đẩy lời kêu gọi để đánh giá liệu Chitwan có đang sở hữu nhiều tê giác hơn mức chịu tải của hệ sinh thái nơi này hay không. Các quan chức cho biết cuộc tổng điều tra mới rất quan trọng vì sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng về quần thể, sinh cảnh và một dấu hiệu cho thấy sức chịu tải của Vườn quốc gia.

Tê giác ở Vườn quốc gia Chitwan của Nepal (Ảnh: Dhilung Kirat via Flickr (CC BY-SA 2.0)

Cho đến gần đây, Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn động vật hoang dã phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức phi chính phủ liên quan đến bảo tồn để gây quỹ cho cuộc tổng điều tra. Mặc dù VQG Chitwan mang lại doanh thu 2,5 triệu USD vào năm ngoái, cơ quan quản lý vườn không có quyền kiểm soát các khoản tiền đó. Một nửa doanh thu này được phân bổ để hỗ trợ các cộng đồng địa phương trong khi nửa còn lại chảy vào ngân sách chung của chính phủ trung ương.

Cuộc điều tra về những con tê giác một sừng đã được lên kế hoạch từng phải ngừng lại vào năm ngoái vì chỉ huy động được 60% trong số 87.600 USD cần thiết.

Cục Động vật hoang dã cố gắng tiến hành một cuộc tổng điều tra về tê giác cứ sau 4-5 năm để nắm được tình hình quần thể và đưa ra các chiến lược bảo tồn. Cuộc tổng điều tra gần đây nhất được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 11/4 đến ngày 2/5/2015 và kiểm đếm được 605 cá thể tê giác ở VQG Chitwan, 29 ở VQG Bardia, 8 ở VQG Suklaphanta và 3 ở VQG Parsa.

Nhà động vật học Mukesh Chalise, người đã tích cực tham gia bảo tồn trong hơn ba thập kỷ qua nói rằng các nhà bảo tồn người Nepal hiện có kinh nghiệm và chuyên môn cần thiết để thực hiện tổng điều tra.

“Trước đây, chúng tôi không có chuyên môn để thực hiện việc kiểm đếm, bây giờ chúng tôi có thể tự mình làm điều đó”.

Nhật Anh (Theo Mongabay)