BVR&MT – Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những tuyến đường giao thông gần Vườn Quốc gia Chitwan ở vùng đồng bằng phía nam Nepal khiến tỷ lệ tai nạn giao thông trên đường tăng lên và khiến số lượng hổ trưởng thành trong công viên giảm gần 2/5 chỉ trong 2 thập kỷ tới.
Dựa trên dữ liệu di chuyển của hổ thu thập được ở Vườn Quốc gia Chitwan từ những năm 1970, nghiên cứu dự báo có khoảng 46 cá thể hổ Bengal có thể bị chết khi đang di chuyển trên các con đường gần Công viên, khiến số lượng hổ trưởng thành ở Vườn giảm từ 133 con ở thời điểm hiện tại xuống còn 81 con trong 20 năm nữa. Cũng trong 20 năm này, 30 con hổ khác có thể sẽ bị giết nếu một tuyến đường sắt trong khu vực được xây dựng.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Neil Carter (Đại học Michigan, Mỹ) cho biết: “Tỷ lệ tử vong liên quan đến lưu lượng giao thông gia tăng và sự mở rộng của các tuyến đường bộ, đường sắt sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sự tồn tại lâu dài của quần thể hổ.”
Ông Carter chia sẻ, bởi vì quần thể hổ ở Chitwan tương đối nhỏ so với những quần thể hổ ở các nơi khác trên khắp Ấn Độ, mức giảm 39% này có thể khiến chúng dễ mắc bệnh hoặc giao phối cận huyết hơn. Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ tuyệt chủng cục bộ của quần thể tại Chitwan.
Từ một thế kỷ trước, ước tính có khoảng 100.000 con hổ hoang dã lang thang trên các đồng cỏ khắp châu Á. Tuy nhiên, đến đầu những năm 2000, số lượng hổ trong tự nhiên giảm mạnh đến 95%, phần lớn là do nạn săn bắt trái phép, tình trạng phân mảnh và mất môi trường sống. Cũng trong thời gian này, ba phân loài là hổ Java, Bali và Caspian đã rơi vào tình trạng tuyệt chủng.
Năm 2010, các quốc gia có hổ sinh sống đã đưa ra cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ trong nước vào năm 2022 – năm con Hổ. Nepal và Ấn Độ là các quốc gia dẫn đầu trong việc thực hiện các mục tiêu này với sự gia tăng của quần thể hổ Bengal. Vào ngày 29 tháng 7, Ngày Quốc tế Hổ, Nepal dự kiến sẽ công bố thành quả tăng gấp đôi số lượng hổ, ít nhất là ở một số khu bảo tồn của nước này.
“Kết quả đáng ngạc nhiên nhất từ nghiên cứu đó là tỷ lệ tử vong của hổ chỉ tăng nhẹ thôi cũng có thể gây ra những hậu quả to lớn cho cả quần thể.” – Ông Carter tiết lộ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cái chết của chỉ một hoặc hai cá thể hổ, đặc biệt là con cái, cũng có thể gây ra sự suy giảm đáng kể về số lượng cá thể của loài. Bởi vì, hổ cái không chỉ sinh con mà còn nuôi dưỡng và bảo vệ hổ con đến khi chúng có khả năng tự lập, đồng tác giả nghiên cứu – Tiến sĩ Narendra Man Babu Pradhan, Văn phòng Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Nepal, cho biết.
Điều này có nghĩa là bất kể các hoạt động như xây dựng đường và hầm chui cho động vật được xây dựng như thế nào, vào thời điểm nào, chỉ cần một hoặc hai trường hợp động vật tử vong cũng có thể là thảm họa đối với tổng thể quần thể của loài, Tiến sĩ Carter cảnh báo.
Khi xem xét tác động của đường bộ và đường sắt đến số lượng động vật ăn cỏ, các tác giả quan sát thấy rằng có một số vùng xám cần được nghiên cứu thêm. Nghiên cứu nhận thấy rằng, khi quần thể động vật ăn cỏ giảm dần quanh các cơ sở hạ tầng đường xá, số lượng hổ ở những khu vực này cũng giảm theo.
Tiến sĩ Carter cho hay: “Cũng có một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng các con đường thực sự có thể thu hút một số loại động vật ăn cỏ, vì chúng thích ăn thực vật mọc dọc theo những con đường này.”
Trong những trường hợp đó, hổ sẽ bám theo con mồi đến tận các con đường và có nguy cơ bị xe đâm phải. Do vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn về hành vi của con mồi và tác động của hệ thống đường giao thông tới chúng.
Nghiên cứu trên được công bố chỉ vài tháng sau khi một nghiên cứu khác chỉ ra rằng những con đường được quy hoạch trong môi trường sống của hổ ở Nepal làm chệch hướng không chỉ công tác bảo tồn hổ mà còn cả những loài động vật ăn thịt bậc cao khác. Những loài săn mồi như gấu lợn và sói lửa cũng gặp nguy hiểm từ mạng lưới đường xá ở Nepal.
Ông Bibek Raj Shrestha, đồng tác giả một nghiên cứu về động vật ăn thịt bậc cao, cho biết: “Nghiên cứu mới về hổ này củng cố thêm những phát hiện của chúng tôi, rằng đường xá tác động nghiêm trọng tới những loài săn mồi đầu bảng như hổ.” Đồng thời khẳng định những nghiên cứu như vậy rất quan trọng vì chúng cung cấp các tiêu chuẩn cho công tác bảo tồn hổ sau này.
Kanchan Thapa, nhà sinh vật học bảo tồn của Tổ chức WWF tại Nepal, đồng ý rằng điểm mạnh của nghiên cứu là việc sử dụng dữ liệu mà Vườn quốc gia Chitwan đã thu thập từ những năm 1970.
Tiến sĩ Carter chia sẻ rằng mô hình này vẫn còn một số hạn chế, đó là nó bỏ qua một số yếu tố nhất định có thể ảnh hưởng đến quần thể hổ. Chẳng hạn như nghiên cứu không xem xét việc các vật cản vật lý như đường xá cô lập quần thể hổ Nepal ra khỏi Ấn Độ, từ đó dẫn đến sự suy giảm đa dạng di truyền. Nghiên cứu cũng không tính đến tác động của cái chết của những con hổ đực đối với cả quần thể.
Pradhan cho biết mô hình này không tạo ra những thay đổi dài hạn trong việc quản lý các khu bảo tồn dựa trên nền tảng kiến thức khoa học mới.
Thapa khẳng định, có bằng chứng cho thấy nguồn nước sẵn có đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sự di chuyển của hổ, nhưng mô hình nghiên cứu trên cũng thiếu các yếu tố này. Các nhà khoa học quan sát thấy rằng trong điều kiện môi trường sống càng khan hiếm nước, số lượng động vật hoang dã bị xe cộ đâm phải càng nhiều. Ngược lại, các vùng nước dồi dào cũng thu hút động vật hoang dã.
Theo Carter, những tác động này có thể được cân bằng bởi các yếu tố khác. Chẳng hạn như, hổ có thể học cách băng qua đường một cách an toàn, từ đó làm giảm khả năng bị đâm chết trên đường. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ là giả định. Với số lượng hổ ít ỏi như vậy, các cấp lãnh đạo và các nhà hoạch định cần tránh nơi sinh sống của hổ trong lộ trình xây dựng đường bộ và đường sắt.
Do đó, nghiên cứu nhấn mạnh việc xác định các khu vực “cấm đi qua” – ở đó cơ sở hạ tầng giao thông phải bị cấm hoàn toàn. Nghiên cứu cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc đề xuất các vị trí khác để xây dựng đường bộ và đường sắt.
“Do vậy, không nên mở rộng đường, từ đó làm tăng lưu lượng giao thông. Ở mức tối thiểu, lưu lượng và tốc độ giao thông phải được hạn chế bên trong các khu rừng, bao gồm cả các vùng đệm.” Carter khẳng định.
Với tuyến đường sắt đang được đề xuất khởi công, Carter cho rằng nó nên được kết hợp với đường cao tốc đông tây hiện tại nhằm tập trung các tác động của nó vào một khu vực mà thôi. “Có thể áp dụng thêm cầu vượt và hầm chui, điều đó cũng tiết kiệm tài nguyên tài đáng kể”- Ông Carter nói thêm.
Nghiên cứu cũng kêu gọi các chương trình nghiên cứu sâu rộng hơn với sự hợp tác của các nhà hoạch định giao thông và chính quyền. Ông Carter nói: “Các chuyên gia nghiên cứu và nhà hoạch định cần kết nối nhiều hơn nữa để kịp thời chia sẻ thông tin với nhau. Việc mời các chuyên gia nghiên cứu đang thu thập thông tin và dữ liệu sẽ giúp cung cấp thông tin cho những hoạt động trên.”
Mô hình này đưa ra tình huống xấu nhất cho môi trường sống của hổ ở Nepal và đóng vai trò như một lời cảnh báo cho các nỗ lực bảo tồn, rằng mọi thứ cần phải thay đổi.
“Chúng tôi hy vọng rằng những thay đổi sẽ có hiệu quả và mọi thứ sẽ không xấu đi như mô hình nghiên cứu này đã dự báo,” Pradhan nói.