Nắng phía làng Lâng Loan

BVR&MT – Từ ngày dời làng khỏi vùng sạt lở, nóc Lâng Loan đang từng ngày giảm nghèo giảm đói, xây dựng thành làng hạnh phúc trên đỉnh mây mù Trường Sơn.

Chap Quật (một dạng nhà Rông sinh hoạt cộng đồng) được dựng lên.

Lâng Loan ngày mới

Nằm sâu trong dãy núi Trường Sơn, để đến được với nóc Lâng Loan là một hành trình đầy hiểm trở. Từ Đà Nẵng đến đây chỉ 180km nhưng mất 8 giờ di chuyển. Trời đang vào mùa mua trên miền thượng du, những con đường vẫn đầy sình lầy, nhưng ở nóc Lâng Loan, những mái nhà lúp xúp xinh xắn tôn xanh hiện lên sau làn mây lãng đãng. Nóc Lâng Loan đẹp đến mức tưởng chừng như ở đây không có gì xấu xí có thể diễn ra.

Nhưng để có được vẻ đẹp ấy, là công sức của rất nhiều người. Khu vực nóc Lâng Loan (còn gọi là nóc Măng KLâng cũ, ở thôn 3 xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nơi mà 70 hộ dân, với 302 nhân khẩu người Xê Đăng sinh sống.

Trước đây, nóc Lâng Loan rất khó khăn, cách biệt. Làng cũ cách trung tâm xã khá xa, với hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ. Đường sá đi lại chủ yếu là leo dốc dựng đứng nên điều kiện kinh tế, xã hội nơi đây rất khó để phát triển. Đặc biệt, nóc Lâng Loan cũ nằm trong khu vực dễ bị sạt lở. Những hỗn loạn và kịch bản bi thảm nhất có thể kéo đến bất cứ lúc nào khi có một con mưa rừng xuất hiện, nhưng những ngôi làng ở Trà Leng hồi cuối năm 2020 vừa qua.

Ở làng cũ, những mái tôn màu xanh lợp tạm ấy chỉ như những chiếc áo mưa rách tả tơi trong mưa. Thời tiết khắc nghiệt, sáng nắng chói chang, chiều mưa như trút và đêm nhiệt độ xuống 12 độ, người dân ở đây uống rượu để giữ ấm và hạnh phúc của họ là được uống rượu và hát. Ở làng, có những người phụ nữ uống rượu hơn cả đàn ông, và việc nương rẫy thường ít quan tâm. Đời sống vô cùng khốn khó.

Trước tình hình này, huyện Nam Trà My đã vận động bà con xê đăng di dời tới khu vực an toàn hơn để tiện lợi cho quá trình đầu tư phát triển. Để giúp bà con đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt là thực hiện nhanh chóng mục tiêu xóa đói giảm nghèo, huyện Nam Trà My đề ra chủ trương quy hoạch 243 khu dân cư rải rác hiện nay thành 115 khu dân cư tập trung.

Mục đích là tạo điều kiện cho nhân dân định cư lâu bền, ổn định sản xuất, dễ dàng triển khai đầu tư hạ tầng dân sinh và đảm bảo điều kiện cho giáo dục phát triển. Và rồi, chương trình nhà chống lũ, với dự án làng hạnh phúc ra đời. Làm thế nào để giúp người dân nơi đây có cuộc sống bền vững hơn trên chính mảnh đất của mình để hạn chế được những nguy cơ khắc nghiệt của thời tiết, của cái lạnh và giữ cho văn hóa của họ được tồn tại theo thời gian. Đó là những trăn trở trong hành trình tái định cư cho người dân nơi này. Các gia đình nơi đây đã di dời nhà cửa, vật dụng sinh hoạt xuống làng mới. Tại đây bà con cũng đã nhanh chóng dựng lại nhà để ổn định cuộc sống. Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ của Nhà nước, đồng thời Mặt trận Tổ quốc huyện hỗ trợ thêm tấm lợp nên bà con đã nhanh chóng định cư. Địa điểm đặt ngôi làng mới mang tên nóc Lâng Loan có địa hình bằng phẳng, ít đồi dốc, rất thuận tiện cho việc định cư, làm đường giao thông, kéo điện quốc gia cũng như xây trường học kiên cố.

Trước đây bà con không những sống tại khu vực xa xôi, hẻo lánh mà nhà cửa của các hộ cũng phân tán, không tập trung. Vì thế nên huyện không thể đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Nhận thức được điều đó nên việc vận động, hỗ trợ nhân dân di dời đến khu vực thuận tiện và tập trung là điều cần thiết. Trong quá trình triển khai thì chính quyền xã cũng đã vào cuộc quyết liệt. Đảng ủy xã Trà Cang đã vận động lực lượng dân quân, thanh niên tham gia giúp người dân vận chuyển nhà đến nơi ở mới, nhân dân các thôn thì hỗ trợ công để dựng lại trường học… Nhờ đó nên việc ổn định cuộc sống cho các hộ di dời được thuận tiện hơn rất nhiều.

Nước sạch được nối ống về tới từng nhà, mọi người không còn phải xuống suối lấy nước khá xa nữa.

Ông Hồ Văn Xiêm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Can cho biết: “Trước đây bà con ở trên kia rất khó khăn về đường sá, con em đi học cực lắm. Đảng, Nhà nước quan tâm giúp bà con xuống đây để thuận lợi hơn, nhất là học sinh mẫu giáo đến trường dễ dàng. Sau này dân làng mong Nhà nước quan tâm đầu tư thêm con đường xe, có điện, trường học kiên cố. Phải có tương lai mai sau thì cuộc sống mới đảm bảo thuận lợi được”.

Những nụ cười trên đỉnh mù sương

Khi chuyển về nóc Lâng Loan, người dân đã vấp phải muôn vàn khó khăn. Người dân đã phải tự kéo dây điện từ trạm hạ thế cách đó 1,5km về để sử dụng. Mỗi hộ chỉ có duy nhất 1 ổ cấm điện, đủ công suất để thắp sáng một bóng đèn. Đến đây mới thấy, những thứ tưởng chừng như rất bình thường lại trở nên quý giá với người dân biết bao, đến cả một cái một cái phích cắm điện cũng không thể mua được, dù nhiều người đã cố gắng xuống tận trung tâm xã nhưng vẫn không có nơi bán.

Những cây cột điện đã được dựng trên nóc Lâng Loan.

Hơn 1 năm qua, từ một ngôi làng tái định cư bị đứt gãy về văn hoá truyền thống, dần dần những đứt gãy ấy được nối liền lại bởi chính nỗ lực của người dân với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự thúc đẩy và hỗ trợ của các chuyên gia và cán bộ của dự án làng hạnh phúc, bây giờ người dân nóc Lâng Loan đã có nhiều thay đổi. Cột điện hạ thế đã được kéo về giữa làng, để người dân không còn ngóng điện từng ngày, những bóng điện chiếu sáng khắp làng được dựng lên. Nhà nhà đã có tivi với truyền hình để năm bắt thông tin, học cách làm ăn.

Ngay cả những thói quen trong đời sống hằng ngày cũng đã có nhiều thay đổi. Người làng đã chí thú làm ăn, những thửa ruộng lúa nước đã được khai phá ngay cạnh làng để có lương thực. Nhà vệ sinh đã được dựng lên ở nhiều điểm để bà con nơi này gìn giữ vệ sinh chung, nước sạch đã được nối ống đến trước cửa nhà để người dân sinh hoạt, không còn phải đi lấy nước rất xa nữa. Và chuyện uống rượu cũng đã giảm bớt. Như chị Hồ Thị Thanh, trước đây là “cây rượu nữ” nổi tiếng trong làng. Chị say suốt ngày, dáng đi lúc nào cũng xiêu vẹo. Người làng nhiều lần lắc đầu chép miệng bất lực, bởi đi còn không nổi thì nói gì đến làm việc. Từ khi chồng chị mất, chị càng say xỉn hơn. Chị như một góc khuất của làng. Đợt trước, khi chính quyền tổ chức làm thìa tre để bán dưới xuôi, chị cũng tham gia kiếm tiền nhưng chỉ để mua rượu mà thôi. Rồi đến đợt làm cụm nhà vệ sinh, chị không có tiền góp để mua vật liệu chung với mọi người. Mọi người động viên chị đi phụ cùng làm, sau đó mọi người sẽ giúp chị làm mái và vách nhà bếp của chị theo chương trình đổi công. Khi xong nhà bếp rồi thì chị sẽ được hỗ trợ ba triệu đồng (tiền vật liệu và nhân công), số tiền này sẽ đủ để chị góp tiền mua vật liệu làm nhà vệ sinh. Những câu chuyện thay đổi nho nhỏ như thế, nhưng đó là những niềm hạnh phúc chỉ nhỏ nhoi như thế ở những nơi thật xa, trên đỉnh núi với những lối sống đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi này.

Cuộc sống mới lại về trên nóc Lâng Loan. Người dân ở đây sẽ xây dựng nóc làng giàu có hơn và chắn hẳn họ sẽ biết quý giá những hạnh phúc bình yên mà họ đang có.

Ông Hồ Văn Xiêm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang cho biết thêm: “Riêng đối với xã Trà Cang phấn đấu mỗi năm di dời từ một đến hai khu dân cư rải rác. Trong thời gian đến chắc chắn bà con hưởng ứng rất đồng đều theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhân dân mong muốn ra khu mới để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng kinh tế gia đình. Cho nên thời gian tới xã tiếp tục vận động, kêu gọi bà con nhân dân đang sinh sống những nơi phân tán, xa xôi, hẻo lánh cùng nhau di dời tới nơi thuận tiện để an cư, lạc nghiệp”.

Sự đổi thay ở nóc Lâng Loan, đến từ việc quy hoạch dân cư trong chiến lược định canh định cư để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao này. Mục đích là giúp nhân dân sinh sống tập trung để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, cùng nhau thi đua phát triển sản xuất. Đồng thời cũng là cơ sở để Nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, trong đó việc triển khai xây dựng hạ tầng dân sinh sẽ thuận tiện hơn trước đây rất nhiều. Nếu chủ trương này sớm trở thành hiện thực thì chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực rất lớn để huyện Nam Trà My đẩy lùi nghèo đói ra khỏi đời sống xã hội.

Thanh niên trong làng chiều chiều đá bóng, phụ nữ nổi lửa nấu cơm.

Bây giờ, trên nóc Lâng Loan cuộc sống đã êm đềm trở lại, chiều chiều thanh niên trong làng không còn tụ tập uống rượu, họ chơi thể thao để gắn kết tình làng. Những phụ nữ nổi lửa nấu cơm, không còn cảnh ông xỉn bà say tối ngày nữa. Trong những gia đình đã vang lên những tiếng cười, không còn cảnh cãi vã và đói nghèo. Những đứa trẻ đã hạnh phúc hơn khi được đi học, được nhận những cuốn sách mới. Ngôi nhà Chai Quập (một dạng nhà Rông sinh hoạt cộng đồng) được dựng lên từ chính bàn tay của người làng, và sự giúp đỡ của các cán bộ dự án xây dựng Làng Hạnh Phúc. Cuộc sống của người dân trên nóc Lâng Loan giờ đã khác xưa rất nhiều.

Tiêu Dao