BVR&MT – Triển vọng ngắn hạn của năng lượng gió và năng lượng mặt trời có phần ổn định trong bối cảnh biến động kinh tế do virus corona. Nhưng về lâu dài, năng lượng tái tạo có thể trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là nếu các chính phủ tích hợp hỗ trợ năng lượng sạch vào chương trình phục hồi kinh tế COVID-19.
Trước đại dịch COVID-19, năng lượng tái tạo tăng trưởng ổn định nhưng vẫn không đủ nhanh để đáp ứng các mục tiêu giảm carbon của Thỏa thuận chung Paris chứ đừng nói đến những nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát.
Giới chuyên gia thừa nhận cú sốc kinh tế do virus gây ra có khả năng làm chậm đà mở rộng của năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác, ít nhất là tạm thời. Nhưng trong thời điểm phong tỏa, giãn cách xã hội và bất định về tài chính khiến một số dự án mới bị đóng băng, ưu thế cơ bản của năng lượng tái tạo vẫn còn rõ nét và các nhà phân tích hy vọng lợi thế kinh tế so với nhiên liệu hóa thạch không ổn định sẽ tăng lên trong dài hạn.
Tuy nhiên, liệu đại dịch có đưa năng lượng sạch tiến nhanh hơn trước hay không phụ thuộc nhiều vào lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra hiện nay. Điều đó có nghĩa là năm 2020 đang định hình một thời điểm then chốt cho năng lượng tái tạo và hy vọng của thế giới kìm hãm hiện tượng nóng lên.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế Francesco La Camera mong muốn các nhà lãnh đạo nắm bắt cơ hội để thiết kế các gói phục hồi kinh tế theo hướng đẩy nhanh chuyển đổi sang năng lượng gió và mặt trời thay vì thúc đẩy nền kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch.
“Điều duy nhất chúng ta lo sợ là các chính phủ có thể bị giới vận động hành lang tác động để giải cứu những lĩnh vực thuộc về quá khứ. Và đây là mối nguy hiểm thực sự”.
Tình trạng ngừng hoạt động để ngăn chặn virus lây lan khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm mạnh, tỷ lệ các nguồn tái tạo tăng trong sản xuất điện. Có được điều đó một phần vì giá năng lượng mặt trời và năng lượng gió rẻ, thường chọn hòa vào lưới điện trước các nguồn khác như than và năng lượng hạt nhân. Nhu cầu giảm mạnh, cả về điện và nhiên liệu vận chuyển cũng đẩy giá dầu và khí đốt xuống mức thấp lịch sử và khiến các công ty nhiên liệu hóa thạch phải vật lộn chỗ chứa lượng sản phẩm khổng lồ.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, các nhà phân tích chỉ ra lực cản đối với tăng trưởng năng lượng tái tạo là việc kinh tế toàn cầu gần như chắc chắn sụp đổ do đại dịch. Lệnh ở nhà khiến các nhà máy ngừng sản xuất tấm pin mặt trời và các bộ phận của tuabin gió, tình trạng đình trệ vận chuyển làm trầm trọng thêm vấn đề nguồn cung. Yêu cầu giãn cách xã hội buộc các công ty năng lượng phải hoãn lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Logan Goldie-Scot, trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng sạch tại công ty phân tích BloombergNEF (BNEF) cho biết “năng lượng tái tạo cần được tăng tốc lắp đặt chứ không phải chậm lại vào thời điểm này” để các quốc gia hiện thực hóa lời hứa cắt giảm carbon theo Thỏa thuận chung Paris. “Từ góc độ phát thải thì bất cứ điều gì làm cho khoảng cách đó lớn hơn là rất khó giải quyết”.
BNEF đã giảm dự đoán mức tăng lắp đặt năm 2020 xuống còn 12% cho năng lượng gió và 8% cho năng lượng mặt trời so với dự đoán trước đại dịch. Tăng trưởng năng lượng tái tạo ổn định trong những năm gần đây và mùa thu năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nguồn cung năng lượng tái tạo của thế giới sẽ tăng 50% trong 5 năm tới, bổ sung thêm nguồn điện mới tương đương với toàn bộ công suất điện hiện có của Hoa Kỳ.
Heymi Bahar, nhà phân tích năng lượng tái tạo cao cấp thuộc IEA hồ hởi: “Chúng ta mong đợi một năm 2020 bùng nổ. Vì vậy đại dịch diễn ra rất không đúng lúc”.
Câu hỏi lớn hơn, theo các chuyên gia, là điều gì xảy ra khi các nước mở cửa trở lại. Tiền mặt hạn hẹp, những rắc rối kinh tế dự kiến sẽ kéo nhu cầu năng lượng xuống dưới mức trước COVID-19, các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn.
Việc các công ty tham gia đấu thầu để xây dựng các dự án như vậy bị hoãn lại. Tổng cộng hơn 40% năng lượng gió và mặt trời dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ tháng 4 đến cuối năm nay đã bị trì hoãn. Goldie-Scot nói: “Đây là một sự bước lùi tức thời”.
Năng lượng mặt trời cho gia đình bị tác động lớn hơn các dự án quy mô doanh nghiệp. Doanh số bán hàng điện mặt trời áp mái có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn, kinh tế đi xuống buộc chủ nhà và doanh nghiệp nhỏ phải hạn chế chi tiêu cho những thứ tốn kém như tấm năng lượng mặt trời, dù về lâu dài đây là những khoản tiết kiệm đáng kể.
Giới phân tích cũng đồng ý rằng nền tảng cơ bản của ngành năng lượng tái tạo rất vững vàng. Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu gần nhất: cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Công nghệ chín muồi và giá giảm đến mức năng lượng tái tạo rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch trong phần lớn các trường hợp. Bộ lưu trữ pin – yếu tố then chốt để nguồn điện sạch trở nên ổn định và đáng tin cậy đang được cải thiện nhanh chóng.
Dan Shreve, trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng gió toàn cầu thuộc công ty tư vấn Wood Mackenzie chia sẻ: “Các nguồn phát điện tái tạo đã trở nên cạnh tranh đặc biệt từ quan điểm kinh tế. Đấy là một câu chuyện tuyệt vời. Chúng ta có mong đợi điều đó sẽ thay đổi trong thời gian tới không? Không, tôi không nghĩ như vậy”.
Thật vậy, trong khi các công ty dầu mỏ đang lao đao, sự ổn định của năng lượng sạch cũng tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, theo quan điểm của Shreve. “Những người đang tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn trong một thị trường rất hỗn loạn có thể sẽ chuyển sang lĩnh vực này”.
Ngay cả những đợt dầu và khí đốt giảm giá mạnh có lẽ không đủ để làm suy yếu năng lượng gió và mặt trời. Mặc dù dầu là trung tâm của giao thông vận tải nhưng không đóng vai trò trực tiếp trong phát điện. Và giá dầu thấp khiến các giếng khoan giảm quy mô. Khí đốt tự nhiên – đi ngược chiều với năng lượng gió và mặt trời trong thị trường điện – thường chảy từ dưới lòng đất lên cùng với dầu nên nguồn cung cũng có khả năng giảm và khiến giá tăng trở lại.
“Có nghĩa là dầu khí không mang tính cạnh tranh so với năng lượng tái tạo”, theo Giám đốc Chương trình An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Amy Myers Jaffe.
Shreve cho biết các nhà máy điện hạt nhân và điện than phải đối mặt với khó khăn hơn nhiều năng lượng tái tạo. “Những gì trong 5 năm qua là thế và dự kiến sẽ tiếp diễn trong 5 năm tới, bất kể có cuộc khủng hoảng COVID hay không”. Việc sớm dừng hoạt động những nhà máy như vậy, đặc biệt là những nhà máy đang gặp khó khăn về tài chính có thể sẽ tăng.
Một lĩnh vực khác có khả năng bị ảnh hưởng là xe điện. Giá dầu thấp nhưng tình trạng thất nghiệp làm giảm doanh số bán hàng cho mọi loại xe.
Ít xe điện hơn có nghĩa là nhu cầu năng lượng ít hơn và sẽ tác động đến đến triển vọng của năng lượng tái tạo. Nhưng Jaffe cho biết đại dịch có thể thúc đẩy nền kinh tế điện khí hóa theo những cách khác – kể cả sự gia tăng trong dài hạn về làm việc từ xa – có thể sẽ khiến nhu cầu năng lượng tách chuyển từ nhu cầu vận chuyển bằng dầu dang sử dụng dân dụng vốn nghiêng về điện năng.
Trong bức tranh lớn hơn, những gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào virus, nền kinh tế và đường lối các chính phủ chọn. Với lượng tiền kích thích lớn có khả năng được đổ vào các nền kinh tế trên thế giới, những người ủng hộ năng lượng sạch cho rằng đó là cơ hội lịch sử để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của một ngành tập trung vào hy vọng ngăn chặn biến đổi khí hậu. La Camera cho biết có thế mạnh bao quát và khả năng phục hồi của ngành năng lượng tái tạo qua cuộc khủng hoảng cho đến nay mang lại cho ông hy vọng.
“Ấn tượng của tôi là chúng ta sẽ có một tương lai ít cacbon hơn những gì có thể tưởng ở thời điểm 3 tháng trước. Sau rốt, cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe này sẽ đẩy chúng ta vào một con đường sạch hơn”.
Theo giáo sư năng lượng Daniel Kammen tại Đại học California, Berkeley, những rủi ro khác không chỉ là hỗ trợ trực tiếp của chính phủ cho các công ty dầu khí mà còn là việc nới lỏng quy định ô nhiễm không khí và nước, hoặc nới lỏng các giới hạn đối với thủy ngân và phát thải từ các nhà máy điện độc hại khác. Những động thái như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn cho ngành công nghiệp phải bỏ ra để giảm ô nhiễm.
Ngay cả khi không thúc đẩy hỗ trợ các công ty nhiên liệu hóa thạch, COVID-19 cũng đẩy vị trí biến đổi khí hậu lùi xuống trong danh sách ưu tiên của các nhà lãnh đạo.
Hiện nay, hầu hết các chính phủ tập trung vào ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe và việc làm. Tiếp theo sẽ là các biện pháp dài hạn, và các quốc gia bao gồm Hàn Quốc và New Zealand đã nói về việc kết hợp hành động khí hậu vào các kế hoạch phục hồi. Liên minh châu Âu có thể kết hợp các phần của Thỏa thuận xanh – một kế hoạch chuyển đổi gần như mọi lĩnh vực kinh tế để cắt giảm carbon và cải thiện chất lượng cuộc sống – với những nỗ lực khắc phục thiệt hại do đại dịch.
Phần lớn, mối quan tâm đến các kế hoạch kích thích xanh của các quốc gia phù hợp với lập trường tiền virus corona về hành động khí hậu. Goldie-Scot nói: “Chúng tôi nghĩ là nhiều khả năng các kế hoạch này xảy ra ở các quốc gia đã có sự hỗ trợ trên diện rộng”, như là Trung Quốc và phần lớn châu Âu.
Cần gì để thực hiện những nỗ lực phục hồi xanh? Với khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của năng lượng sạch, các công ty không thực sự cần thêm trợ cấp trực tiếp mà sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp khiến lưới điện thông minh hơn và linh hoạt hơn, do đó có thể tận dụng năng lượng tái tạo tốt hơn. Các nhà phân tích chỉ rõ chi tiêu để mở rộng mạng lưới sạc xe điện là rất cần thiết.
Tiếp cận tín dụng cũng sẽ rất quan trọng, theo Bahar. Trong khi dễ dàng cạnh tranh về chi phí với nhiên liệu hóa thạch thì “ngành công nghiệp năng lượng tái tạo không có nhiều vốn”, Kammen nói thêm.
Chính sách cũng làm thay đổi vấn đề. Các cam kết cắt giảm carbon dài hạn ở cấp quốc gia sẽ mang lại ổn định trong những lúc bất ổn. Trong ngắn hạn, các ưu đãi thuế và giá quan trọng của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều vào hết hạn cuối năm nay, các nhà phân tích đồng y rằng kéo dài thời hạn sẽ giúp các dự án bị trì hoãn bởi đại dịch.
Giới ủng hộ kích thích xanh cho rằng hành động khí hậu rất phù hợp để tạo việc làm và nếu được thực hiện đúng cũng có thể khắc phục sự bất bình đẳng về kinh tế, xã hội và chủng tộc mà virus đã phơi bày rõ ràng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
Chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn cũng hứa hẹn mang lại lợi ích sức khỏe. Nhiều người nhận ra chất lượng không khí tốt hơn trong thời gian phong tỏa, và Shreve nói rằng điều đó giúp mọi người thấy được lợi ích của việc tìm ra những cách lâu dài để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
“Một điểm sáng trong cuộc khủng hoảng điên rồ này là có thể đi bộ ngoài trời ở những nơi khét tiếng về ô nhiễm không khí, nhìn thấy bầu trời quang đãng”.
Kammen hy vọng đại dịch cuối cùng sẽ đẩy nhanh động thái hướng tới một nền kinh tế sạch hơn.
“Covid tạo cơ hội cho các chính phủ và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi đó mạnh mẽ hơn. Từ bỏ sẽ không dễ dàng, nhưng tôi chắc rằng chúng ta rồi sẽ tạm biệt hẳn nhiên liệu hóa thạch”, Kammen chia sẻ.
Thế Anh (Theo 360 Yale Environment)