BVR&MT – Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo ghi nhận mức phát triển kỉ lục của năng lượng tái tạo trong năm 2016, mặc dù đầu tư vào ngành này thấp hơn 23% so với năm trước đó. Tổng đầu tư cho năng lượng tái tạo vào năm ngoái là 241.6 tỷ USD, trong đó không bao gồm các đập thủy điện lớn.
Theo báo cáo, chi phí năng lượng tái tạo ngày càng giảm trên phạm vi toàn cầu, đạt tới mức thấp nhất kể từ năm 2013 – một dấu hiệu cho thấy tính khả thi của nguồn năng lượng này. Cụ thể, chi phí sản xuất 1 megawatt điện quang năng hay phong năng đã giảm hơn 10% so với trước đây.
PGS. David Konisky (Đại học Indiana) cho rằng, báo cáo đã chỉ ra một bước ngoặt lớn, phản ánh hướng đi chậm nhưng chắc của năng lượng sạch. Ông cho biết đã có 139 gigawatts năng lượng tái tạo được sản sinh trong năm 2016, tăng 8% so với năm 2015. “Bản báo cáo như một lời nhắc nhở rằng nếu ta tạm bỏ qua các vấn đề chính sách, thì những yếu tố trên thị trường sẽ vẫn thúc đẩy các nước sử dụng năng lượng sạch”, PGS khẳng định.
Tuy nhiên, các chính sách vẫn đóng vai trò quan trọng bởi chỉ riêng thị trường thì không thể tạo điều kiện cần thiết cho quá trình chuyển giao sang năng lượng tái tạo. Kể từ khi bắt đầu nhiệm kì của tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã thay đổi quan điểm khác với các chính sách môi trường dười thời Obama. Tháng trước, các quan chức trong nhóm G7 đã không thể đưa ra thỏa thuận chung do chính quyền Trump rà soát lại các chính sách khí hậu và môi trường. Tuyên bố cuối cùng của nhóm vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Vốn có xu hướng phê bình thỏa thuận Paris, ông Trump khẳng định sẽ rút Mỹ ra khỏi hiệp ước toàn cầu về cắt giảm khí thải carbon. Một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản được ghi nhận có sự tăng trưởng chậm. Trong bối cảnh trên, báo cáo của Liên Hợp Quốc vẫn vẽ ra một tương lai tươi sáng cho năng lượng tái tạo. PGS. Konisky nhận định, để có thể phát triển nguồn năng lượng sạch, điểm mấu chốt nằm ở sự phối hợp của nhiều nguồn lực chính trị và kinh tế, mặc dù những nguồn lực này thường rất khó dung hòa.
Gia Quyên/Theo CBS News