BVR&MT – Theo một báo cáo mới được công bố, cá di cư nước ngọt trên thế giới giảm 76% so với năm 1970, làm ảm đạm thêm bức tranh suy giảm đa dạng sinh học và làm bật lên mối nguy hiểm ngày càng tăng với an ninh lương thực nhiều khu vực trên thế giới.
Cá nước ngọt cung cấp nguồn dinh dưỡng cho ít nhất 200 triệu người trên toàn cầu, nhất là các cộng đồng nông thôn ở châu Á và châu Phi, trong đó cá di cư chiếm phần lớn sản lượng đánh bắt. Riêng với Mê Kông, cá di cư chiếm chừng 1/3 lượng đánh bắt ở lưu vực sông – nơi được xem là ngư trường cá nước ngọt lớn nhất tế giới với hơn 2 triệu tấn mỗi năm, tương đương 20% tổng lượng cá nước ngọt thế giới.
Nhưng năng lượng giúp được gì cho đà suy giảm cá di cư?
Thật ra là rất nhiều. Các con đập thủy điện là một trong những nguyên nhân cốt lõi gây suy giảm cá di cư và tình trạng xây thêm đập là mối đe dọa nghiêm trọng với những loài cá di cư còn lại.
Tuy nhiên, phát triển đập châm ngòi cho sự đánh đổi đầy khó khăn giữa năng lượng và an ninh lương thực. Càng thách thức hơn khi thang cá – công nghệ ban đầu có mục đích giải quyết sự đánh đổi đó – lại không mấy hiệu quả, nhất là ở các dòng sông nhiệt đới đang được đề xuất giảm thiểu đập.
Hạn chế của các cấu trúc thang cá trong việc giảm thiểu tác động lên cá di cư càng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược đầu tư và lập kế hoạch để tránh được những tác động đó ngay từ đầu.
Có một vài yếu tố buộc cá phải di cư, chẳng hạn nguồn thức ăn theo mùa và đặc biệt là các sinh cảnh đặc hữu để đẻ trứng. Người Mỹ và châu Âu đã quen với những nhu cầu trên của cá di cư và cách chúng chiến đấu với các đập thủy điện: ở những dòng sông khắp các châu lục này, cá hồi từng rất phong phú nhưng nay còn lại không đáng kể do các con đập chặn đường chúng tới nơi đẻ trứng.
Sông Columbia là một ví dụ sinh động về những mâu thuẫn trên cũng như hậu quả của việc đánh đổi. Trước khi có đập, có tới 16 triệu con cá hồi trưởng thành quay về hệ thống sông Columbia mỗi năm. Ngày nay, mỗi năm thủy điện ở lưu vực sông Columbia sản xuất ra 100 tỷ kW (40% sản lượng thủy điện hàng năm của Mỹ) nhưng chỉ còn 2 triệu con cá hồi quay về tương ứng mức giảm gần 90%.
Trước mắt, cá di cư cần những dòng sông chảy tự do từ nơi chúng bắt đầu tới nơi chúng muốn đến. Trên toàn cầu chỉ còn 1/3 các con sông dài còn chảy tự do, đập thủy điện là nguồn gốc lớn nhất phân mảnh các dòng sông này. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cá di cư giảm mạnh.
Sự đánh đổi giữa phát điện và cá di cư có đến mức khắc nghiệt như thế?
Phần lớn hy vọng giảm được sự đánh đổi được đặt vào các cấu trúc thang cá theo trực giác: nếu một con đập chặn đường cá di cư thì đơn giản là xây dựng một cấu trúc bổ sung (thang cá hoặc thậm chí thang máy) để cá qua được chướng ngại.
Công nghệ thang cá ban đầu dành cho cá hồi vì giới thiết kế không tìm đâu ra được ứng viên tốt hơn để thử nghiệm: cá hồi là loài bơi khỏe, có khả năng nhảy lên khá cao.
Một đánh giá các nghiên cứu bình duyệt về hiệu suất thang cá cho thấy công nghệ này có hiệu quả với cá hơn hẳn các loài khác, với tỷ lệ thành công lên tới 62% khi bơi ngược dòng.
Con số trên khiến người ta có cảm giác đánh đổi cũng hợp lý. Nhưng đặt vào bối cảnh các con sông không chỉ có một đập thủy điện mà thường là hàng chuỗi (cá hồi đỏ phải vượt 12 con đập mới lên được thượng nguồn sông Snake để đẻ trứng) thì tỷ lệ thành công 62% tại mỗi đập sẽ khiến một quần thể cá hồi di cư giảm tiếp 38% số lượng cá thể chỉ sau 2 con đập.
Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thành công của tất cả các loài cá khi ngược dòng chỉ là 21%. Một quần thể cá di cư sẽ chỉ còn 4% số lượng ban đầu sau khi vượt qua con đập thứ 2.
Đáng chú ý là các cấu trúc thang cá hiện tại được đề xuất nhằm giảm thiểu tác động của đập đến những loài cá không có nhiều điểm chung với cá hồi.
Thêm nữa, trong khi thang cá xây dựng trên các dòng sông cá hồi ở Tây bắc nước Mỹ được thiết kế cho khoảng 10 loài cá đều bơi khỏe thì thang cá ở một dòng sông như Mê Kông lại phải dành cho hàng trăm loài, từ loài nhỏ bằng con chuột như cá linh gió tới loài lớn như cá tra dầu. Có loài bơi giỏi, có loài không, có loài bơi gần mặt nước, có loài bơi gần đáy.
Dù mức độ đa dạng và phức tạp cao như vậy, và gần như không có ví dụ nào trong các dự án hiện tại giải quyết được các thách thức tương tự, thang cá vẫn được coi là giải pháp bù lại ảnh hưởng từ đập tới cá di cư, kể cả con đập Xayabury mới đi vào vận hành năm 2019 và là đập đầu tiên trong số 11 con đập được đề xuất ở hạ Mê Kông.
Trong quá trình xây dựng đập Xayaboury, giới chức Lào khoe một video minh họa cách cá bơi qua thang cá. Hiểu được những thách thức cho cá, Reuters trích lời một quan chức rằng: “Có lẽ… chúng ta nên tập huấn cho cá cách sử dụng thang máy”.
Các chương trình tập huấn cho cá không có gì đáng để học hỏi nhưng 5 năm qua cho thấy các lựa chọn năng lượng thay đổi nhanh đến thế nào: công nghệ năng lượng phát triển đến mức có thể loại bỏ nhu cầu của các nước cố gắng giải quyết vấn đề đánh đổi giữa cá và thủy điện bằng cách sử dụng công nghệ thang cá.
Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo (giảm sâu giá thành điện gió và điện mặt trời, công nghệ lưu trữ và quản lý lưới điện tiến bộ nhanh) khiến các nước có thể phát triển hệ thống năng lượng với chi phí thấp và phát thải ít carbon mà vẫn tránh được các con đập thủy điện gây ra nhiều tác động tiêu cực đến các cộng đồng hoặc nguồn tài nguyên thiên nhiên như cá di cư.
Trong khi nhiều con đập được lên kế hoạch ở sông Mê Kông vẫn đang xúc tiến, chưa rõ những con đập này có được đảm bảo tài chính hay không vì dòng đầu tư trong khu vực đang chảy nhanh vào năng lượng gió và mặt trời. Công suất lắp đặt năng lượng mặt trời ở Việt Nam tăng 40 lần, từ mức 134 MW năm 2018 lên 5500 MW năm 2019. Gần đây, Lào đề xuất một dự án điện mặt trời công suất 1.200 MW gồm các tấm pin nổi trên hồ chứa. Đầu tư vào năng lượng mặt trời cũng tăng nhanh ở Campuchia do giá điện thấp kỷ lục ở Đông Nam Á với chỉ với 0,03877 đô la/kWh.
Xu hướng giá và đầu tư vào năng lượng mặt trời góp phần vào quyết định gần đây của Campuchia hoãn 10 năm xây đập Sambor trên sông Mê Kông – một dự án được mô tải là “nơi tệ nhất có thể [ở Mê Kông] để xây dựng một đập lớn” vì ảnh hưởng tiêu cực tới cá di cư.
Dù vậy, đột phá công nghệ năng lượng tái tạo sẽ tăng tốc giải quyết những thách thức để hòa hợp giữa năng lượng và cá di cư – thách thức mà công nghệ thang cá không thể giải quyết. Thực hiện lời hứa này đòi hỏi các quốc gia và nhà tài trợ nhấn mạnh vào lập kế hoạch và chính sách để tối đa hóa các khoản đầu tư vào các công nghệ giảm thiểu áp lực xây dựng các đập thủy điện cần phải đánh đổi lớn. Với những lưới điện vẫn cần thủy điện, các con đập nên được xây ở những nơi gây ra ít tác động nhất tới các dòng sông tự do và cá di cư, ví như thượng nguồn của các đập hiện hành.
Ở những lưu vực sông đã có nhiều hệ thống thủy điện, tăng thêm hoặc cải thiện thang cá ở các đập hiện có sẽ mang lại lợi ích cho cá di cư. Tuy nhiên, cải thiện lớn nhất với cá di cư là việc dỡ các con đập già nua, như ở sông Elwha (bang Washington, Mỹ) và đập Vezins trên sông Sélune ở Pháp.
Dòng cá di cư có thể hồi phục nhanh chóng sau khi đập được dỡ bỏ, như cá trích sông tăng từ mức vài nghìn lên vài triệu con chỉ vài năm sau khi đập trên sông Penobscot (bang Maine) được dỡ bỏ. Nếu báo cáo mới được công bố đưa ra triển vọng ảm đạm về cá di cư thì dỡ bỏ đập sẽ khiến bức tranh tươi sáng trở lại.
Trên những dòng sông như Mê Kông, việc giá thành điện gió, điện mặt trời và giá thành lưu trữ giảm đáng kể có tiềm năng khiến cả sông và cá di cư đều được tự do theo dòng nước.
Nhật Anh (Theo Forbes)