BVR&MT – Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một hình thức quan trọng để lắng nghe ý kiến, thể hiện ý thức tôn trọng Nhân dân đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, để hoạt động này ngày càng gần dân, sát dân hơn, nắm bắt tốt hơn nguyện vọng của người dân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP, HĐND các cấp đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc; tăng cường cơ chế đối thoại giữa cử tri và đại biểu…
Gần dân, sát dân hơn
Tổ chức tốt công tác TXCT là biểu hiện cụ thể của quan điểm “dân là gốc” trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi thông qua tiếp xúc, các đại biểu dân cử, các cơ quan nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và các chủ trương, chính sách để kịp thời chấn chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ các nội dung không còn phù hợp. Qua đó, cũng giúp các cơ quan tổ chức, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại công tác chỉ đạo điều hành của mình, từ đó có những điều chỉnh thích hợp, kịp thời; hạn chế việc khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp.
Tại Hà Nội, thời gian qua, hoạt động TXCT đã được Đoàn đại biểu Quốc hội TP, HĐND các cấp liên tục đổi mới để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri. Chỉ tính riêng trong năm 2021, HĐND các cấp TP đã thực hiện 3.987 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó cấp TP tổ chức 109 cuộc, cấp huyện 529 cuộc và cấp xã 3.349 cuộc. Hội nghị được tổ chức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, ngoài ra tiến hành các hình thức phù hợp khác nhằm cung cấp thông tin theo quy định và tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Các cuộc TXCT tiếp tục có nhiều đổi mới khi rút gọn thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để cử tri có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, cũng như những kiến nghị của mình với các đại biểu dân cử. Thay vì chỉ ghi nhận, tiếp thu, các cuộc TXCT của đại biểu Quốc hội, HĐND TP cũng tăng cường sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các sở, ngành để giải trình, làm rõ các vấn đề cử tri kiến nghị.
Đặc biệt, tại các cuộc TXCT ở những địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, có nhiều dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai còn vướng mắc, bất cập, cần tháo gỡ từng bước, các phản ánh, kiến nghị của cử tri đều được đại diện các sở, ngành, địa phương tiếp thu, trả lời ngay.
Không chỉ ở cấp TP, xác định rõ chức năng quan trọng trong TXCT, ở nhiều quận, huyện đã theo hướng mở rộng đối tượng thành phần, tăng cường đối thoại và thông tin kịp thời những nội dung mà cử tri quan tâm. Như ý kiến của nhiều cử tri nhận định, qua theo dõi các kỳ TXCT của đại biểu Quốc hội, HĐND TP, có thể thấy rằng các trả lời kiến nghị cử tri đã được lựa chọn, đi trực tiếp vào nội dung người dân sinh sống trên địa bàn quận quan tâm. Không chỉ lắng nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri, trên cơ sở đó, đã có những tiếp thu, điều chỉnh một số chính sách phù hợp thực tiễn…
Theo tổng hợp của Thường trực HĐND TP, từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri đã được các cấp chính quyền TP quan tâm, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Cụ thể, trong tổng số 1.013 kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP trả lời từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 533 kiến nghị giải quyết dứt điểm (52,62%), còn 480 kiến nghị đang giải quyết (47,38%)…
Tiếp tục đi vào chiều sâu
Với phương châm đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, trong triển khai thực hiện tốt Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”, việc tiếp tục đổi mới hoạt động TXCT cũng được nhấn mạnh.
Trong đó, hoạt động TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn, để nắm bắt sâu các vấn đề người dân quan tâm, kịp thời có kiến nghị và điều chỉnh về cơ chế, chính sách. Cùng với đó, hiệu quả công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của HĐND TP tiếp tục chú trọng theo hướng sâu sát hơn. Nâng cao trách nhiệm tham mưu của các cấp, các ngành, tập trung rà soát các kiến nghị của cử tri, đánh giá, phân loại kết quả giải quyết; xác định rõ trách nhiệm, giải pháp, lộ trình thực hiện.
Với những kết quả đã có và sự chú trọng trong đổi mới cả về “chất” và “lượng”, có thể thấy rằng, hoạt động TXCT đã giúp đại biểu và cả các cơ quan chức năng thực sự lắng nghe người dân nhiều hơn.